Nhìn lại ngành giáo dục năm 2023: Ghi dấu ấn mới nhưng còn nhiều nỗi lo

10:47 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 3420 In bài viết

Năm 2023 là năm thứ 10 ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Bên cạnh một năm ghi dấu ấn với những đổi mới từ chăm lo đời sống giáo viên đến thi cử, ngành giáo dục vẫn còn đó nhiều nỗi lo, thách thức.

Cải thiện đời sống giáo viên

Lương của giáo viên là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2023. Từ ngày 1-7-2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó giáo viên cũng thuộc đối tượng được tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước ngày 1-7.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. 

Theo đó, mức lương thấp nhất của giáo viên cấp phổ thông hạng III là 4,212 triệu đồng/tháng, tăng 725.000 đồng so với trước. Mức lương cao nhất của giáo viên hạng I là 12,204 triệu đồng/tháng, tăng hơn 2,1 triệu đồng so với trước. Tăng lương là giải pháp quan trọng để cải thiện đời sống giáo viên, thu hút và giữ chân giáo viên giỏi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc tăng lương cho giáo viên cần được thực hiện đồng bộ với cải thiện cơ sở vật chất trường học, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.

5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018  được ban hành năm 2018, bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021. Một nửa chặng đường cho thấy việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT bước đầu tạo được những chuyển biến rất tích cực, đã thay đổi từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Qua gần 4 năm triển khai, học sinh có nhiều cơ hội phát triển năng lực, phẩm chất, tích lũy kiến thức và kỹ năng cần thiết. Giáo viên đã dần làm quen với chương trình mới, có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp không ít điểm nghẽn. Thực tế triển khai cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình; không nhiều giáo viên đủ năng lực dạy được các hợp phần trong môn tích hợp, phần lớn vẫn dạy theo đơn môn. Đây cũng là thách thức lớn đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, dù đã được tập huấn.

Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT công bố ngày 28-11-2023. Theo phương án, nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí chuyển sang nền giáo dục thực dạy, thực học, thực nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn xã hội.

Quy hoạch mạng lưới đại học

Bộ GD-ĐT đã tổ chức các buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo, trong khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, sẽ có 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia. Cũng theo lộ trình đến năm 2030, nhiệm vụ đào tạo giáo viên chỉ tổ chức tại các cơ sở giáo dục đại học. 

Báo động về liêm chính khoa học

Vụ việc PGS, TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) thừa nhận hành vi bán bài báo khoa học để kiếm tiền đã gây xôn xao dư luận. Vụ việc đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về liêm chính khoa học ở Việt Nam. Mặc dù về pháp lý, việc tác giả ghi công trình nghiên cứu khoa học ở nơi khác có thể không vi phạm quy định nếu cơ quan chủ quản cho phép nhưng việc làm này đã tiếp tay cho cơ sở giáo dục đại học mua bài để ngụy tạo thành tích, đánh lừa xã hội và thu hút sinh viên vào học.

Vụ việc cũng báo động tình trạng mua bán bài báo khoa học, đòi hỏi Nhà nước cần có chế tài với những cơ sở đào tạo ngụy tạo thành tích, đồng thời có chính sách đãi ngộ thích đáng với các nhà khoa học. Cùng với đó là vấn nạn bằng giả không chỉ đối với cán bộ, công chức mà ngay chính trong đội ngũ giảng viên. Đây là lỗ hổng lớn nhất cần khắc phục.

Bạo lực học đường vẫn nghiêm trọng

Năm 2023, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ ngày 1-9-2021 đến 5-11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh là nữ. Như vậy bình quân, cứ khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường. Đa số các vụ bạo lực học đường có nhiều học sinh tham gia, xảy ra cả trong trường học lẫn ngoài trường, số học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn. Nghiêm trọng hơn, đối tượng phạm tội ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn.

Năm 2024: Cam kết chất lượng là thước đo

Nói về năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đây là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới GDPT, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh với tinh thần chung là lắng nghe từ thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sẽ thay đổi những gì chưa phù hợp. Cam kết chất lượng là thước đo cho mọi công việc.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top