Y tếPhòng, chống Covid-19

Cần quyết liệt trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19

08:36 - Thứ Sáu, 01/07/2022 Lượt xem: 10910 In bài viết

ĐBP - Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung cơ bản đã được khống chế. Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng giảm, tỷ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chủ quan không muốn đi tiêm chủng các mũi tiếp theo ở một bộ phận không nhỏ người dân; làm ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ vắc xin, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Anh Nguyễn Văn A. người dân tổ 8, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, đã đến lịch tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), nhưng tôi chưa đi tiêm vì bị mắc Covid-19 mới khỏi cách đây hơn 1 tháng. Trái với quan điểm của anh A. anh Sùng A D. người dân xã Na Sang, huyện Mường Chà cho biết: Nhà tôi 5 người đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 rồi mà vẫn bị mắc Covid-19, tôi sẽ không tiêm vắc xin nữa. Vì mỗi lần tiêm vắc xin tôi đều có biểu hiện sốt, đau nhức người rất khó chịu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tổng số liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ 1.363.574 liều; trong đó, số liều vắc xin đã tiếp nhận 1.342.574 liều, số vắc xin chưa tiếp nhận 21.000 liều Vero Cell. Để công tác tiêm vắc xin đạt hiệu quả, đúng tiến độ đề ra, thời gian qua ngành Y tế đã triển khai tiêm linh hoạt với nhiều hình thức như: Tiêm đồng loạt hoặc cuốn chiếu tại các điểm tiêm (cố định, lưu động, trường học hay tại bản). Tiêm tại nhà với các trường hợp không tự đến được các điểm tiêm chủng cố định.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hợp tác của người dân, cộng đồng trong quá trình triển khai; tính đến ngày 21/6/2022 toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 36 đợt. Trong đó, 31 đợt tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi và đối tượng từ 18 tuổi trở lên; 5 đợt tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Kết quả các mũi cơ bản đều đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế (tỷ lệ đạt ≥ 95%). Tỷ lệ trẻ em 12 - 17 tuổi tiêm mũi 2 đạt 95,9%; người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi cơ bản đạt 95,2%; người trên 18 tuổi tiêm mũi bổ sung đạt 98%. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu thấp, chưa đạt yêu cầu: Mũi nhắc lại lần 1 đạt 74,4% (tất cả các huyện chưa đạt yêu cầu của Bộ Y tế). Mũi nhắc lại lần 2, kết quả tiêm đạt 59,9%. Kết quả tiêm trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 đạt 58,8%; mũi 2 đạt 17,7%; hiện đang tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng còn lại.

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay tổng số vắc xin đã sử dụng 1.285.583 liều, tỷ lệ sử dụng 95,8%. Số vắc xin đã tiếp nhận còn tồn tại các tuyến 56.991 liều, trong đó: Vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi 22.400 liều, hạn sử dụng 31/7/2022; vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi, 25.000 liều, hạn sử dụng sau rã đông 20/7/2022; vắc xin Vero Cell 1.725 liều hạn sử dụng 10/10/2023...

Ngành Y tế tỉnh kiến nghị Bộ Y tế điều chuyển 21.000 liều vắc xin Vero Cell cho các tỉnh có nhu cầu sử dụng, do hiện tại tỉnh Điện Biên không còn đối tượng thuộc diện sử dụng vắc xin Vero Cell (các đối tượng được tiêm mũi bổ sung bằng vắc xin Pfizer hoặc Moderna). Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ vắc xin theo tiến độ tiêm chủng, số đối tượng thực tế, theo đề xuất địa phương nhằm tránh cấp vắc xin không đúng nhu cầu của địa phương.

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh như: Tâm lý e ngại chưa muốn tiêm chủng vắc xin mũi nhắc lại lần 1 do tiêm nhiều mũi vắc xin trong một thời gian ngắn. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ từ 5 đến 12 tuổi còn chưa tin tưởng về tính an toàn của vắc xin, không cho con tiêm chủng. Đỉnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2022 và nửa đầu tháng 4/2022 do đó trong tháng 5 và 6 rất nhiều đối tượng chưa đủ thời gian khỏi bệnh từ 3 tháng trở lên (cả người lớn và trẻ em) để tiêm vắc xin. Nhiều người đã mắc Covid-19 nên có tâm lý chủ quan không muốn đi tiêm chủng các mũi tiếp theo, đây là xu hướng chung của người dân. Số đối tượng tiêm thay đổi do di biến động dân cư. Vắc xin nhiều đợt cấp cận hạn, người dân không chấp nhận tiêm vắc xin cận hạn, không đến tiêm chủng mặc dù đã được thông báo, tư vấn nhiều lần.

Để công tác tiêm chủng đạt hiệu cao trong thời gian tới các địa phương cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiêm chủng tại đơn vị, địa phương. Khẩn trương hoàn thành việc tiêm cho các đối tượng chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc xin tại địa phương. Nhằm nâng cao miễn dịch cho cá nhân và bao phủ miễn dịch diện rộng trong cộng đồng tiến tới thiết lập xã hội an toàn phát triển.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top