Trồng cây nào tốt cây ấy

10:18 - Thứ Sáu, 10/02/2023 Lượt xem: 43836 In bài viết

ĐBP - “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp, một truyền thống của dân tộc Việt Nam, khởi đầu cho công tác trồng cây gây rừng hàng năm của các cấp, ngành, các địa phương.

Mở đầu Tết trồng cây năm nay, huyện Điện Biên là đơn vị tiên phong, đã phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, chủ động tham gia. Buổi lễ càng trở nên trang trọng, ý nghĩa khi Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường trực tiếp tham gia trồng cây và có ý kiến nhắn nhủ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân tại buổi lễ. Năm 2023, huyện Điện Biên phấn đấu trồng 5.000 cây phân tán, hàng nghìn héc ta cây Mắc ca và bảo vệ trên 76.000ha rừng tự nhiên.

Sau huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Tiểu đoàn Bộ binh 1; Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị… đều phát động và hưởng ứng Tết trồng cây.

Năm nay, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh phấn đấu trồng 2.000 cây xanh trong khuôn viên đơn vị, gồm cây lấy gỗ lâu năm trên khu vực thao trường huấn luyện; cây ăn quả ở khu vực tăng gia sản xuất, một số cây cảnh, cây bóng mát trong khuôn viên đơn vị.

Tại TP. Điện Biên Phủ, chú trọng trồng cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị, công viên... Để thể hiện sự thống nhất cao trong ý chí và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Thành phố đã giao các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học… đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây. Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, Ủy ban nhân dân các phường, xã… phát động phong trào trồng cây xanh ở trụ sở đơn vị mình. Tổ chức trồng cây theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế. Tiến hành chăm sóc cây đã trồng một cách cẩn thận, bảo đảm "trồng cây nào tốt cây ấy".

Thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào trồng cây gây rừng, góp phần xây dựng Điện Biên phát triển toàn diện, bền vững.

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43,5%. Với phương châm trồng cây phải phù hợp từng địa điểm, điều kiện của từng nơi, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của việc trồng rừng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có; sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án trồng cây Mắc ca, trồng rừng kinh tế. Hiện tỉnh ta có 13 dự án trồng Mắc ca đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô diện tích 85.815ha. Triển khai trồng Mắc ca đúng chỉ tiêu, kế hoạch, tiến độ hàng năm sẽ góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng rất lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh nước ta nói chung, Điện Biên nói riêng đang gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu cùng những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, việc trồng cây gây rừng gắn với đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc tổ chức Tết trồng cây tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị đang có chiều hướng mang tính hình thức, hiệu quả không cao. Một số nơi, việc phát động Tết trồng cây được tổ chức rầm rộ, phô trương, song công tác chăm sóc, bảo vệ lại không được chú trọng. Cũng có nơi do quy hoạch tổng thể trồng cây xanh chưa tốt nên tỷ lệ cây sống không cao, nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác. Tình trạng phá rừng, cháy rừng, vi phạm lâm luật vẫn còn diễn ra ở một số địa phương… Những bất cập đó đã và đang gây ra những hạn chế trong việc nâng cao hiệu quả phong trào Tết trồng cây tại cơ sở.

Để Tết trồng cây không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống, môi trường mà còn trở thành nét đẹp văn hóa trong những ngày đầu xuân, các địa phương, cơ quan, đơn vị… cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây. Thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tham gia Tết trồng cây cũng như tích cực chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng bám sát đặc điểm, tình hình thực tế. Việc trồng cây cần gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch trồng, bảo vệ rừng; phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh cho các tổ chức, lực lượng, các tổ dân cư và từng hộ gia đình. Mặt khác, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác trồng cây gây rừng...

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top