Sự kiện và bình luận

Khó hoàn thành giải ngân vốn mục tiêu quốc gia

14:36 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 24270 In bài viết

ĐBP - Mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia khó có khả năng hoàn thành khi kết quả giải ngân của các tỉnh, thành đạt tỷ lệ rất thấp. Đây là vấn đề đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 sau khi nghe báo cáo giám sát về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia. Mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó đạt khi kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương từ năm 2022 đến tháng 6/2023 chỉ đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn; vốn sự nghiệp tính đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Với Điện Biên, các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung triển khai thực hiện song tỷ lệ giải ngân vốn cả 3 chương trình đến hết tháng 9/2023 mới đạt 38,53%.

Thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân triển khai các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chăm sóc bí xanh. Ảnh: Sầm Phúc

Điện Biên triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn năm 2023 của 3 chương trình Điện Biên được phân bổ là 1.176 tỷ đồng; nguồn vốn năm 2022 là 1.152 tỷ đồng. Việc phân bổ vốn cho các địa phương trong tỉnh được triển khai ngay khi nhận được vốn phân bổ từ trung ương song tỷ lệ giải ngân của 3 chương trình đều chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện; yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong triển khai, tổ chức thực hiện. Dù có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhưng đến hết tháng 9/2023, việc giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là 453,178/1.176 tỷ đồng, đạt 38,53%. Cụ thể, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 240,12 tỷ đồng, đạt 37,96%; Giảm nghèo bền vững giải ngân 179,708 tỷ đồng, đạt 41,22%; Xây dựng nông thôn mới giải ngân 33,349 tỷ đồng, đạt 30,86%.

Việc giải ngân chậm vốn các chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ riêng Điện Biên mà báo cáo giám sát của Ủy ban Dân tộc Quốc hội trình tại kỳ họp thứ 6 cho thấy đây là tình trạng chung của các địa phương trong cả nước. Báo cáo giám sát khẳng định 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới nên việc giám sát tập trung đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Chương trình Xây dựng nông thôn mới tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới; cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Chương trình Giảm nghèo bền vững ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ ngân sách trung ương chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp nên giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch. Trong khi đó, việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo chưa thực chất bởi chỉ quan tâm việc giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các văn bản quản lý ban hành chậm; mô hình chỉ đạo, điều hành chưa đồng bộ, thống nhất; vốn phân bổ chậm… Kết quả giải ngân chương trình đến thời điểm 31/5/2023 của 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là gần 5.700 tỷ đồng, đạt 21,46% kế hoạch. Hội đồng Dân tộc Quốc hội giám sát nhận định, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng… Do đó sẽ rất khó đạt mục tiêu đến năm 2025 của chương trình về mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với năm 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác ở vùng dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp, không hoàn thành đúng tiến độ sẽ bị thu hồi vốn phân bổ cho chương trình hoặc địa phương khác, thiệt hại trước hết là người dân khi không được thụ hưởng các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao mức sống. Thực tế, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương đều rất lớn, nhất là vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện bị hạn chế do các quy định về địa bàn, nhiều địa phương gặp khó trong xác định sự trùng lặp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng dẫn tới khó xây dựng kế hoạch. Tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện. Một trong những nguyên nhân chủ quan đã chỉ ra đó là bất cập về năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, dẫn tới việc hoàn thiện thủ tục đầu tư chậm, không đảm bảo điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn. Việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương chưa nhịp nhàng, hiệu quả nhất là hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng.

Để người dân được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước và thực hiện được mục tiêu đề ra của các chương trình mục tiêu quốc gia, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cần rà soát, phối hợp tháo gỡ vướng mắc; đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp thực tế địa phương để việc triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu. Mục tiêu cao nhất vẫn là nâng cao đời sống người dân.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top