Ban Quản lý di tích tỉnh

Từng bước nâng cao chất lượng thuyết minh, hướng dẫn

05:49 - Thứ Hai, 16/05/2022 Lượt xem: 6087 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, lượt khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ tăng cao. Có thời gian cao điểm, hướng dẫn viên trên địa bàn phải làm việc liên tục, quá tải, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Đặc biệt, Di tích Đồi F gắn với Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ chuẩn bị khánh thành, đưa vào khai thác, là điểm đến ý nghĩa, dự báo sẽ đón lượng lớn khách du lịch, thì việc chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên càng được quan tâm.

Hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh thuyết minh cho du khách tham quan Đồi A1.

Ban Quản lý di tích tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2020, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và nhiều di tích trọng điểm khác của tỉnh. Hiện Ban có 11 hướng dẫn viên, đảm nhiệm tiếp đón, hướng dẫn khách tham quan tại các di tích đã được đưa vào khai thác thuộc quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, bao gồm: Đồi A1, Đồi D1, Hầm Đờ - cát, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ... Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, các điểm di tích lịch sử đón trên 24.000 lượt khách, riêng trong ngày 7/5 (kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ) đón hơn 11.000 lượt khách. Bởi vậy, công việc của các hướng dẫn viên hối hả, áp lực hơn bao giờ hết, luôn túc trực tại các điểm di tích, làm việc liên tục từ sáng đến chiều muộn... Đặc thù các di tích giữ nguyên hiện trạng ngoài trời, dốc cao; đặc biệt di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ có diện tích rộng, đi bộ dài, hệ thống hầm, lán trại liên hoàn với 15 điểm. Vì thế đội ngũ hướng dẫn viên càng thêm vất vả khi phải liên tục dẫn các đoàn khách.

Bà Vũ Thị Thanh, Trưởng phòng Phát huy giá trị di tích (Ban Quản lý di tích tỉnh) cho biết: “Không chỉ đội ngũ chuyên môn đảm nhiệm nhiệm vụ thường xuyên, Ban có 20 cán bộ đã được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó 1 hướng dẫn viên quốc tế, 5 nội địa, còn lại là hướng dẫn viên tại điểm. Nhờ đó, trong dịp cao điểm vừa qua, Ban đã tăng cường, trưng tập cán bộ ở các bộ phận của đơn vị tham gia công tác thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan tại các điểm di tích. Dù chú trọng phân công, bố trí hướng dẫn viên hợp lý, nhưng có những lúc khách đến đông, phải thực hiện ghép đoàn để hướng dẫn, thuyết minh, cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu tham quan của du khách”.

Bà Nguyễn Thị Hồng, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh chia sẻ: “Những ngày lễ cao điểm vừa rồi, trung bình mỗi ngày tôi dẫn 4 - 6 đoàn khách thăm, cả tại điểm và tour các điểm di tích. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến các điểm di tích tăng đột biến, không chỉ so với 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn tăng cao so với những năm trước đây. Dù làm việc liên tục, thời gian nghỉ ngơi ít và thay phiên nhau trực buổi trưa, rất mệt và bận rộn nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp đều vui, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì sau thời gian dài du lịch tỉnh nhà đóng băng do dịch bệnh, nay đang hồi phục mạnh mẽ”.

Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ xây dựng trên di tích Đồi F sắp khánh thành. Để đáp ứng phục vụ khách du lịch, Ban Quản lý di tích tỉnh đã chủ động tìm hiểu, tổng hợp thông tin, tài liệu về công trình đền thờ và tổ chức cho cán bộ, hướng dẫn viên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với kiến trúc sư để hiểu sâu hơn ý nghĩa công trình từ những chi tiết nhỏ nhất. Từ đó, các hướng dẫn viên tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nội dung thuyết minh và có sự chuẩn bị phù hợp cho từng đối tượng. Đội ngũ hướng dẫn viên và nội dung thuyết minh đã được lãnh đạo cấp trên duyệt và kiểm tra 2 đợt, sẵn sàng phục vụ du khách từ trước khi công trình khánh thành.

Với tình hình thực tế và những yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Lực lượng hướng dẫn viên hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu khách tham quan, đặc biệt là các dịp cao điểm. Ban đang tham mưu, đề xuất Sở tăng cường nhân lực cho Ban, hướng đến xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên mang tính chuyên nghiệp, không chỉ thuyết minh tại điểm mà còn theo đoàn, đi tour. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu xây dựng các phần mềm thuyết minh đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, nhất là với các đoàn khách đơn lẻ. Trước mắt có thể áp dụng tại điểm di tích lớn như Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó mở rộng mô hình cho các điểm di tích lịch sử khác trong quần thể. Cùng với đó, Ban chỉ đạo đội ngũ hướng dẫn viên tiếp tục trau dồi, rèn luyện, học hỏi, chú trọng xây dựng kế hoạch thuyết minh, tự kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng chuyên môn, làm hài lòng và để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách tham quan...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top