Đến với bài thơ hay

Chiều biên giới

08:30 - Thứ Năm, 30/06/2022 Lượt xem: 7738 In bài viết

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào xanh hơn

Như tiếng chim hót gọi

Như chồi non cỏ biếc

Như rừng cây của lá

Như tình yêu đôi ta.

 

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió

Như quê ta ngọn núi

Như đất trời biên cương.

 

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào đẹp hơn

Khi mùa hoa đào nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây

Mùa tỏa ngát hương bay.

 

Chiều biên giới em ơi

Rừng chăng dây điện sáng

Ta nghe tiếng máy gọi

Như nghe tiếng cuộc đời

Lòng ta thầm mê say

Trên nông trường lộng gió

Rộng như trời mênh mông.

 

Chiều biên giới em ơi

Đôi ta cùng chiến hào

Gần nhau thêm bền chí

Tình yêu là vũ khí

Giữ đất trời quê hương.

 

Chiều biên giới em ơi

Như con sông chảy xiết

Nghe con sông thác đổ

Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương.

Lò Ngân Sủn

Hồn như ngọn gió giữa trời quê hương

Lò Ngân Sủn được mệnh danh là “nhà thơ của bản làng”. Thơ ông gần gũi với đồng bào vùng cao miền Tây Bắc nước ta. Trước khi hóa thân vào khúc suối reo, “rừng cây của lá” và đất đai bản quán ngàn đời, nhà thơ dân tộc Dáy đã để lại nhiều tập thơ có giá trị: Chiều biên giới, Những người con của núi, Con của núi (2 tập), Lều nương... Thơ ông là tiếng lòng thiết tha với quê hương, đất nước, trong đó Chiều biên giới (1980) là thi phẩm thể hiện đặc sắc nhất đề tài này. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ thành ca khúc cùng tên với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, lời ca giàu chất thơ nên mê đắm lòng người.

Bài thơ Chiều biên giới viết bằng thể thơ năm chữ; âm điệu nhẹ nhàng, tự nhiên và giàu tính sáng tạo. Dường như chính cái ngân nga trong tâm hồn, sự rung ngân của cảm xúc tác giả có trước, từ đó vẫy gọi các câu thơ họp đàn về đây để cất lên một tình yêu biên giới thiết tha; rộng hơn là tình yêu với Tổ quốc đậm sâu, da diết. Nếu đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 tròn đúng một năm, chúng ta càng trân trọng và mến yêu hơn tấm lòng của một nhà thơ nặng tình với non sông, đất nước.

Trong khổ thơ đầu, cái sự lạ của buổi chiều biên giới nằm ở từ “xanh” được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan khác nhau. Chiều biên giới “xanh” hiện lên qua các hình ảnh độc đáo, giàu tính hình tượng nhờ phép tu từ so sánh và phép điệp cú pháp. Xanh từ tiếng chim hót gọi, từ chồi non cỏ biếc, từ rừng cây của lá và cả tình yêu lứa đôi. Trong bốn hình ảnh so sánh, có hình ảnh hiện thực nhìn từ mắt thường, song cũng có hình ảnh siêu thực được cảm xúc hóa từ nội tâm tác giả. Nhờ đó, buổi chiều biên giới hiện ra vừa mơ vừa thực; vừa sống động, cụ thể nhưng cũng rất lãng mạn, nên thơ.

Nếu ở khổ thơ đầu, sự lan tỏa bao trùm nằm ở tính “xanh” thì đến khổ thứ hai, tính “cao” lại làm nên nét đặc trưng của buổi chiều biên giới. Vẫn phép so sánh tu từ, phép điệp giàu sức sáng tạo, Lò Ngân Sủn đã dựng lên chiều cao của suối sông, mây gió, núi non, đất trời biên cương kỳ vĩ, tráng lệ. Nhà thơ không chỉ thuần túy miêu tả, cảm nhận về cảnh vật mà ẩn giấu trong ấy là niềm tự hào về quê hương bản quán của mình.

Lần theo mạch cảm xúc bài thơ, trong hai khổ thơ ba và bốn, nhà thơ Lò Ngân Sủn thể hiện niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên và công cuộc dựng xây của con người nơi vùng biên giới. Trước hết, vẻ đẹp thiên nhiên ở đây được chấm phá bằng những gam màu sáng tươi, rực rỡ. Đó là vẻ đẹp của mùa hoa đào bung nở khoe thắm sắc hương, mùa sở ra cây và từng thửa ruộng bậc thang uốn lượn giữa mây trời biên giới. Với tác giả, mùa “đẹp” nơi vùng biên cũng là “mùa tỏa ngát hương bay”, mùa làm say lòng và ngẩn ngơ du khách: “... Khi mùa hoa đào nở/ Khi mùa sở ra cây/ Lúa lượn bậc thang mây/ Mùa tỏa ngát hương bay”.

Cuộc sống dựng xây và đổi mới từng ngày được cất lên từ chính sự quan sát và niềm tin yêu mãnh liệt trong tâm hồn tác giả. Đó là ánh điện sáng trưng chăng dây băng qua rừng núi, tiếng máy giữa nông trường như tiếng cuộc đời lộng gió thênh thang. Những âm thanh náo nức, rộn ràng từng phút từng giờ như đang vẫy gọi trong niềm lao động mê say khiến trái tim nhà thơ dạt dào một niềm vui khôn xiết.

Tất cả vẻ đẹp thiên nhiên và đổi thay trong cuộc sống đều xuất phát từ điểm nhìn nơi làng bản quê hương tác giả, nơi nhà thơ đã yêu thương và gắn bó máu thịt suốt cuộc đời mình. Chính những câu thơ được viết ra từ tâm khảm, từ tình yêu thiết tha, sâu nặng với vùng đất biên cương Tổ quốc trở nên vô cùng thiêng liêng và trong sáng, nó hoàn toàn không màu mè, lên gân hay làm dáng câu chữ. Có lẽ vậy chăng mà bài thơ Chiều biên giới, nhất là những thi ảnh ở hai khổ thơ này, có thể được xem là bản tuyên ngôn của dân tộc Dáy qua lăng kính của một nhà thơ Dáy - Lò Ngân Sủn.

Trong bài thơ Chiều biên giới, bên cạnh mạch thơ chính là ngợi ca quê hương xứ sở vùng biên, Lò Ngân Sủn vẫn không quên dành trái tim mình hướng về tình yêu đôi lứa. Trong khổ thơ đầu, “tình yêu đôi ta” góp phần làm nên cái điệu “xanh” của buổi chiều biên giới, mở ra nét thi vị từ bức tranh thiên nhiên thơ mộng, thanh bình. Đến khổ thơ thứ năm, tình yêu lứa đôi hóa thành vũ khí chiến đấu trong hoàn cảnh cả hai chung một chiến hào để bảo vệ đất nước. Đó là một gam màu ấm sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ và tha thiết nhất khiến cho bài thơ có được vẻ đẹp sử thi, hòa điệu tình riêng lứa đôi trong tình yêu chung Tổ quốc.

Buổi chiều biên giới hùng vĩ nhưng cũng nên thơ như ngọn gió mát lành giữa đất trời quê hương xứ sở: “Chiều biên giới em ơi/ Như con sông chảy xiết/ Nghe con sông thác đổ/ Hồn ta như ngọn gió/ Thổi giữa trời quê hương”.

Bài thơ Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn trở thành khúc tình ca về thiên nhiên và cuộc sống nơi vùng biên giới xinh tươi, trù phú; đồng thời đó cũng chính là tình yêu thiết tha với Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, sâu nặng ân tình.

Lê Thành Văn
Bình luận

Tin khác

Back To Top