Rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống dân tộc

09:08 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 8013 In bài viết

ĐBP - Trang phục truyền thống là nét dễ nhận biết đầu tiên của một tộc người. Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, bức tranh trang phục truyền thống trên mảnh đất Điện Biên vô cùng đa dạng, rực rỡ sắc màu, là niềm tự hào, gắn với trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp đáng quý này.

Trang phục truyền thống dân tộc Lào xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông tạo thêm sắc màu rực rỡ cho Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III.

Phụ nữ người Thái có áo cóm bó sát, váy dài, khăn piêu duyên dáng, thanh lịch. Người Khơ Mú mặc váy, áo, khăn nền đen nhưng vẫn nổi bật nhờ những hàng đồng bạc lấp lánh hình mặt trời. Các cô gái dân tộc Lào luôn đẹp với những chiếc áo cách điệu tươi sáng, váy thổ cẩm đa họa tiết. Người Mông hoa đúng như tên dân tộc, rực rỡ như những bông hoa với các đường thêu thủ công tinh xảo, tỉ mỉ mà tông màu chủ đạo là hồng, đỏ trên trang phục. Người Dao (nhánh quần chẹt) lại đơn giản nhưng tinh tế với áo tà dài, đen, thêm chùm chỉ sắc màu phía trước... Mỗi dân tộc một trang phục đặc trưng, độc đáo, riêng có, thể hiện bản sắc văn hóa gắn với cuộc sống lao động, sản xuất thường ngày, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của tổ tiên để lại. Không có một nghiên cứu, thống kê chính xác, cụ thể, trên địa bàn tỉnh ta hiện có bao nhiêu dân tộc còn lưu giữ và sử dụng các trang phục truyền thống, nhưng hầu hết các dân tộc thiểu số sống quần cư thì vẫn giữ được nét đẹp này. Có dân tộc vẫn mặc trang phục truyền thống thường ngày, có cả đồ nam và đồ nữ, có dân tộc dành đến những dịp long trọng, lễ tết mới khoác lên mình váy, áo ấy. Và cũng có những dân tộc ít người, văn hóa giao thoa, trang phục truyền thống dần mai một.

Thực tế để gìn giữ nét đẹp truyền thống trong trang phục, đặc biệt trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay không phải điều dễ dàng. Cụ thể hóa các đề án của Trung ương và tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2165/KH-UBND ngày 23/7/2019 về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn các huyện, phòng, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, nội dung kế hoạch. Tuy nhiên, được biết kinh phí dành riêng cho hoạt động này không có mà lồng ghép các nhiệm vụ khác, gắn với nhiệm vụ thường xuyên và chương trình mục tiêu.

Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Chúng tôi bảo tồn trang phục truyền thống bằng nhiều hình thức, như: Lập hồ sơ di sản đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể; bảo tồn lễ hội gắn với trang phục; bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị các trang phục truyền thống tại Bảo tàng... Các hoạt động phục dựng, bảo tồn văn hóa, các di sản được bảo tồn đều gắn với tổng thể giá trị văn hóa, trong đó có trang phục truyền thống. Những năm qua đã phục dựng, khai thác nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt (dân tộc Khơ Mú); Tết té nước (dân tộc Lào); Xên bản (dân tộc Thái)... Việc nghiên cứu và sưu tầm hiện vật văn hóa mà Bảo tàng thực hiện cũng luôn gắn liền với nhau, lấy yếu tố truyền thống, nét đẹp văn hóa là trọng tâm”. Ngoài ra, hàng năm, các cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức nhiều hoạt động, ngày hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu văn hóa - văn nghệ các dân tộc, đều khuyến khích đồng bào diện trang phục truyền thống dân tộc mình và tôn vinh những nét đẹp ấy.

Với những cách làm đó, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh ta được bảo tồn, gìn giữ song hành cùng các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, Điện Biên có Nghệ thuật xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; và có 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là các nghi thức dân, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn đều gắn với trang phục dân tộc. Có thể kể đến như: Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Lễ gạ ma thú của người Hà Nhì; Tết Hoa của người Cống; Lễ Tủ cải của người Dao quần chẹt, bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa; nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông... Đáng chú ý, trong đó có nghề làm giày thêu của người Xạ Phang (các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa), nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà). Đây là sự công nhận, động viên để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thêm tự hào, yêu văn hóa truyền thống, cũng như yêu trang phục truyền thống, và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy nét đẹp riêng có của dân tộc mình.

Không chỉ vậy, đối với những dân tộc đặc biệt ít người, cần bảo vệ khẩn cấp như Cống và Si La, còn có ưu tiên, đầu tư trang phục truyền thống cho từng hộ gia đình theo đề án bảo tồn. Mới đây, Bảo tàng tỉnh cũng tổ chức lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Cống cho 20 học viên nữ bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

Để phát huy giá trị trong xã hội hiện đại, trang phục truyền thống còn trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch. Trong 14 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, điển hình được lựa chọn trong các cuộc thi của tỉnh ta có nhiều sản phẩm là trang phục dân tộc, như: Bộ váy áo nữ dân tộc Thái đen, Thái trắng; khăn piêu, khăn tay, khăn quàng cổ họa tiết dân tộc... Với những nỗ lực ấy, tin rằng trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được lưu giữ, truyền nối cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top