Rộn ràng ngày hội văn hóa các dân tộc vùng cao

08:52 - Thứ Năm, 09/02/2023 Lượt xem: 4073 In bài viết

ĐBP - Diễn ra từ ngày 25 - 28/1 (tức mồng 4 - 7 Tết Quý Mão), Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ I đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, trải nghiệm. Tiếng khèn Mông hòa cùng tiếng nhạc rộn ràng, váy áo thướt tha đan xen những sắc màu dân tộc vùng cao... tất cả làm nên một không khí của ngày hội vô cùng sôi nổi, vui vẻ đúng với chủ đề: “Sắc Xuân Nậm Pồ”.

Tiết mục nghệ thuật trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ I năm 2023.

Có mặt tại xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) từ sớm tinh mơ, chúng tôi như được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hàng nghìn người dân và du khách với trang phục dân tộc sặc sỡ, nét mặt vui tươi, rạng rỡ cùng hội tụ về đây, chật kín sân vận động, nơi tổ chức ngày hội. 8 giờ sáng, chương trình nghệ thuật diễn ra sôi động, hấp dẫn, xen kẽ những làn điệu của người Thái, những bài hát giao duyên, những tiếng khèn, tiếng sáo của người Mông… tất cả những giai điệu đậm đà âm hưởng của núi rừng Tây Bắc đã làm đắm say lòng người.

Trong tiếng hò reo, cổ vũ, chị Thùng Thị Mùi, bản Nà Sự, xã Chà Nưa vui mừng chia sẻ: “Từ nhà tôi ra đến xã Phìn Hồ mất 40 phút đi xe máy, nên từ sáng sớm tôi cùng bạn bè, người thân đã ra tới đây. Đến với ngày hội, không chỉ được thỏa sức mua sắm hàng hóa, thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ mà tôi còn được chiêm ngưỡng những màu sắc thổ cẩm rực rỡ của trang phục truyền thống các dân tộc, được hòa mình trong không gian của lễ hội, được chung vui trong sự náo nhiệt, mạnh mẽ của các môn thể thao truyền thống”.

Chăm chú lắng nghe, ngắm nhìn các nghệ nhân biểu diễn, ông Vàng A Xả, bản Mo Công (xã Phìn Hồ), bộc bạch: “Cái bụng tôi vui lắm! Đoàn nào cũng có người già, người trẻ cùng tham gia. Điều đó cho thấy, văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại được chú trọng, tạo lớp kế thừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”.

Với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, lễ hội đầu xuân không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi mà còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên toàn huyện giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và củng cố thêm nhận thức, ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc. Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, tiếng khèn Mông cất lên tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn vang khiến người nghe cảm nhận mùa xuân chan hòa. Các nghệ nhân với những bước nhún, đảo, quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Nghệ nhân Sùng Chờ Nhé, bản Mạy Hốc (xã Phìn Hồ) phấn khởi nói: “Đồng bào Mông sống phóng khoáng, yêu thiên nhiên, dẫu đói dẫu no, người Mông và cây khèn vẫn chung thủy cả đời. Đặc biệt, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về, tiếng khèn được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, cộng đồng, thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc, làm nên bản sắc độc đáo riêng. Cây khèn và các điệu múa truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác và được cộng đồng dân tộc Mông bảo tồn, gìn giữ qua các thế hệ”.

Trong khuôn khổ ngày hội, huyện Nậm Pồ đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộn ràng, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, như: Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; biểu diễn nghệ thuật quần chúng; thi ẩm thực, chọi dê; bóng đá mini 7 người… Đến với ngày hội du khách còn được trải nghiệm, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống (đánh đu, ném pao, tung còn, đánh cầu lông gà, tù lu, cà kheo, tó má lẹ…). Ban Tổ chức bố trí các gian hàng để UBND 15 xã trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc, hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Chị Lường Thị Lan, du khách TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Các mặt hàng bày bán giá phải chăng, vừa với khả năng mua sắm của nhiều người. Mua các sản phẩm do chính tay người dân vùng cao nuôi trồng, sản xuất tôi thấy rất an tâm. Không gian ngày hội được mở rộng, phong phú về hàng hóa và mang nhiều nét văn hóa các dân tộc. Bà con ai nấy đều cởi mở, dễ mến!”. Ngoài gian hàng của các xã, huyện Nậm Pồ còn bố trí, tổ chức cho hơn 60 gian hàng của các cá nhân, hộ kinh doanh trong và ngoài huyện bày bán sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất sứ, phục vụ nhu cầu nhân dân. 

Khẳng định Nậm Pồ là vùng đất có nhiều nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ cho rằng: Nét đặc sắc của văn hóa Nậm Pồ là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa và còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc. Mỗi dân tộc anh em, mỗi địa phương đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm cho bức tranh văn hóa Nậm Pồ trở nên đa dạng, phong phú và có nhiều yếu tố đặc sắc.

Ngày hội là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là dịp để đồng bào các dân tộc anh em gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người nơi biên cương Nậm Pồ. Từ đó, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và học tập lẫn nhau giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, cùng nhau xây dựng quê hương Nậm Pồ ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc; các sản phẩm du lịch, hàng hóa nông sản của đồng bào các dân tộc Nậm Pồ tới người dân, du khách trong và ngoài tỉnh; từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top