Nhiều chuyển biến trong công tác dân số – KHHGĐ

09:49 - Thứ Sáu, 22/09/2017 Lượt xem: 8706 In bài viết
ĐBP - Trước đây, Điện Biên Đông là huyện gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của tỉnh. Song, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, chính quyền địa phương, các chương trình, hành động, các chiến dịch được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong tầm kiểm soát.

 

Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Điện Biên Đông truyền thông giáo dục giới tính cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện.

Một trong những hoạt động được huyện tích cực triển khai hàng năm là đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa. Để chiến dịch mang lại hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, trạm y tế các xã tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ. Đồng thời, lồng ghép triển khai các dịch vụ: KHHGĐ; phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản; làm mẹ an toàn. Ông Vàng A Lồng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Điện Biên Đông, cho biết: Đơn vị đã phân công cụ thể từng cán bộ dân số chuyên trách tham mưu cho UBND cấp xã phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hộ gia đình, tích cực vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đến trạm y tế khám, tư vấn sức khỏe. Đặc biệt, trong tháng 9 huyện đã triển khai chiến dịch CSSKSS - KHHGĐ tại 7 xã trên địa bàn; hoàn thành 100% kế hoạch giao. Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Để tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh việc triển khai dịch vụ SSKSS - KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, Trung tâm đã phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tư vấn, nói chuyện chuyên đề, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho hàng trăm học sinh. Duy trì sinh hoạt mô hình “Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại 3 xã: Sa Dung, Phì Nhừ, Háng Lìa. Qua đó đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, nhận thức về công tác dân số đối với người dân vùng sâu, vùng xa; góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh ở huyện là 105 bé trai/100 bé gái. Gia đình sinh con thứ 3 trở lên chiếm 18,5% (giảm 6,5% so với năm 2015).

Tỷ lệ sinh con thứ 3 tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với tổng số trẻ em sinh ra trong 9/2017 (279/1.402 trẻ); một số chỉ tiêu KHHGĐ (số người sử dụng thuốc uống tránh thai, bao cao su) chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức, nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách dân số - KHHGĐ còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên vẫn sinh con thứ 3 với mong muốn có con trai; trình độ chuyên môn của cán bộ dân số chuyên trách xã yếu, khiến việc tuyên truyền gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, Trung tâm đã lập kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Và xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể huyện, đẩy mạnh công tác truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ nhằm thay đổi hành vi về dân số - KHHGĐ trên cơ sở cung cấp những thông tin, hình thức phù hợp với đồng bào trên địa bàn. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ dân số chuyên trách xã và cộng tác viên dân số thôn, bản.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top