Cải cách hành chính ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

08:40 - Thứ Sáu, 20/04/2018 Lượt xem: 10538 In bài viết
ĐBP - Ông Hà Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Căn cứ vào Chương trình cải cách hành chính (CCHC) của UBND tỉnh giai đoạn 2016 - 2010, hàng năm đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC trên các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước và thông tin, tuyên truyền CCHC. Trong đó, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả công tác CCHC. Thời gian qua, thực hiện đồng bộ các giải pháp CCHC đã mang lại kết quả tích cực.

 

Khách hàng giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong cải cách thể chế, Sở đã phân công cụ thể cho bộ phận chuyên môn chủ trì soạn thảo và các bộ phận phối hợp, lãnh đạo Sở chỉ đạo, quy định rõ thời gian hoàn thành. Các đơn vị được giao đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn xây dựng đề cương trước khi soạn thảo văn bản chi tiết. Chất lượng tham mưu văn bản quy phạm pháp luật của Sở với tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu CCHC. Tiêu biểu nhất là trong năm 2017, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt, rà soát 2 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Quyết định số 04/2017/QÐ - UBND ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 07/2017/QÐ - UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh ban hành mức hỗ trợ cụ thể đối với khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương theo quy định tại Nghị định 75/2015/NÐ - CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Ðây là những chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là trong bối cảnh tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, Sở NN&PTNT còn đăng ký xây dựng 9 văn bản quy phạm pháp luật; tham gia ý kiến vào 12 dự thảo luật... Sở chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ cho tổ chức, các doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ðặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp triển khai thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” được Sở NN&PTNT thực hiện hiệu quả với mục tiêu bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong giải quyết công việc hành chính, loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Sở đã kiện toàn tổ chức, ban hành Quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”. Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa”. Ðăng tải công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; tiến độ giải quyết hồ sơ, tình hình giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tìm hiểu, giám sát và thực hiện. Thống kê từ năm 2017 đến nay, Sở NN&PTNT đã giải quyết gần 200 thủ tục hành chính và 1.130 hồ sơ thuộc các lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản, kiểm lâm, trồng trọt, chăn nuôi... với 100% hồ sơ được trả đúng hạn.

Trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, những năm qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai nghiêm đề án vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng đơn vị đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, Sở tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ đã được trang bị. Hiện nay trên 90% cán bộ, công chức ngành NN&PTNT sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc; 100% máy tính của công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị được kết nối mạng nội bộ, kết nối internet tốc độ cao. 

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top