Làm báo điện tử trong “cơn bão” 4.0

08:50 - Thứ Tư, 19/06/2019 Lượt xem: 12584 In bài viết
ĐBP - Là một trong những tờ báo điện tử “khai sinh” sớm trong hệ thống báo mạng cả nước, Báo điện tử Ðiện Biên Phủ đã trải qua không ít cuộc tập dượt thông tin, đầy thách thức. Làm thông tin online cho chúng tôi những trải nghiệm sôi động, căng thẳng nhưng cũng đầy thú vị. Ðó là khi những bước chân rầm rập, khí thế hào hùng của đoàn quân diễu binh chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được chúng tôi truyền tải đầy sinh động nhưng cũng hết sức thời sự trên trang web báo điện tử, vào ngày 7/5/2014. Ðó là ngày toàn dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử 22/5/2016, khi không chỉ có nhóm phóng viên điện tử, mà toàn bộ hệ thống phóng viên các phòng chức năng cùng vào cuộc, để có được thông tin đa chiều, đầy đủ nhất từ các địa phương trong toàn tỉnh truyền tải đến bạn đọc. Rồi những tác phẩm truyền hình internet về mưa lũ, sạt lở, dịch bệnh... đầy tính thời sự, không chỉ thu hút sự quan tâm theo dõi của độc giả mà ghi nhận hàng trăm, hàng nghìn lượt view, chia sẻ, truyền tải đi những thông điệp đầy giá trị nhân văn, giáo dục và mang tính định hướng dư luận theo đúng tôn chỉ, mục đích của một tờ báo Ðảng.

 

Phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ điện tử tác nghiệp tại Trường Tiểu học Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Hải Phong

Không ngừng nỗ lực để khẳng định chỗ đứng và phát huy vai trò tại địa phương, nhưng thách thức lớn nhất với một tờ báo điện tử của Ðảng, đó là bước vào giai đoạn bùng nổ thông tin của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Lần cải tiến giao diện và kỹ thuật vào năm 2016, được xem là bước ngoặt quan trọng của không chỉ ấn phẩm báo điện tử, mà còn đối với cả mỗi phóng viên, người làm Báo điện tử Ðiện Biên Phủ. Cùng với những khó khăn đặc thù của làm báo vùng cao, chúng tôi cũng đứng trước những thách thức chung của thời đại công nghệ. Cuốn theo dòng chảy thông tin của thời kỳ báo mạng “trăm hoa đua nở”, Báo điện tử Ðiện Biên Phủ từ chỗ đa phần đăng tải lại thông tin của ấn phẩm báo in và khai thác thông tin theo một số tờ báo điện tử chính thống, giờ đây đã và đang phát triển theo hướng độc lập.

Bạn đọc của báo điện tử, không chỉ có đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh, mà cả nhiều tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Mỗi dòng tin, bài viết, bức ảnh hay video được phát đi, vừa mang thông điệp, lại vừa chất chứa cả niềm tự hào của những người làm báo điện tử nơi vùng đất lịch sử “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Cũng vì xác định được mức độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng của ấn phẩm báo điện tử là vô cùng rộng lớn, nên mỗi phóng viên báo điện tử đều ý thức, trách nhiệm với mỗi tác phẩm của mình. Mọi thông tin đều được bản thân người thực hiện “cân đo đong đếm” ngay từ trong mỗi câu từ, ngôn ngữ sử dụng, hình ảnh, để hình thành nên một tác phẩm làm sao thật thời sự, thu hút bạn đọc; song không để gây hoang mang dư luận, mà phải gửi gắm thông điệp có tính định hướng, tuyên truyền và tôn trọng sự thật.

Truyền hình internet có thể xem là “đặc sản” riêng có của ấn phẩm báo điện tử được Ban Biên tập Báo Ðiện Biên Phủ xác định để tập trung chỉ đạo, khuyến khích đẩy mạnh. Bám sát hướng đi này, cùng với 2 phóng viên được phân công phụ trách chuyên mục, phóng viên phòng Báo điện tử đã tận dụng tối đa trang thiết bị được đầu tư để phục vụ nâng cao chất lượng tác phẩm truyền hình. Khác với viết bài cho báo in, mỗi phóng viên làm báo hình phải trở thành người làm báo “đa phương tiện”. Tức là sử dụng thành thạo tất cả các thiết bị, phương tiện và phần mềm công nghệ, từ hệ thống máy ảnh, máy quay phim đến các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh, dựng phim... Với mỗi tác phẩm truyền hình, phóng viên vừa phải trực tiếp đi cơ sở, lấy thông tin, ghi hình, viết bài, vừa phải hoàn thiện tác phẩm của mình, bao gồm cả dựng hình, thậm chí tự thể hiện lời bình cho tác phẩm.

Vất vả hơn trong quá trình tác nghiệp; đầu tư hơn về thời gian, công nghệ; áp lực hơn về thông tin và tính thời sự; song chúng tôi cũng nhận thức rõ ưu thế của mình. Hình ảnh luôn là cách truyền tải sinh động và thu hút độc giả nhất. Chính vì vậy, hướng về cơ sở là cách mà mỗi phóng viên luôn xác định trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi tác phẩm phải nỗ lực làm sao cho đầy ắp hơi thở cuộc sống, làm sao mang tới cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh, chân thực nhất về đời sống, tâm tư của bà con, đồng bào khắp mọi vùng, miền của mảnh đất Ðiện Biên.

Những chuyến hành trình vùng cao đầy gian nan, vất vả, với lỉnh kỉnh máy móc, trang thiết bị tác nghiệp; những áp lực về tính thời sự, tính thông tin giữa hàng nghìn, hàng vạn thông tin thiếu kiểm chứng trên các trang mạng xã hội đã và đang là thách thức không nhỏ đối với mỗi phóng viên Báo Ðiện Biên Phủ điện tử. Song, vượt qua tất cả, mỗi tác phẩm truyền đi thông điệp của mình được bạn đọc quan tâm, chính là động lực thúc đẩy mỗi chúng tôi thêm vững vàng, “chân cứng đá mềm” để tiếp tục hành trình của những phóng viên điện tử trong cơn bão công nghệ số.

Sự đầu tư và phát triển cho báo điện tử là một xu hướng tất yếu của thời kỳ kỷ nguyên số. Trong dòng chảy cuồn cuộn ấy, đầy rẫy những thông tin “rác”, những trang web “lá cải”, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, với không ít thông tin xấu, “đầu độc” độc giả. Ðó là lúc những người làm báo điện tử như chúng tôi phải phát huy và phát huy mạnh hơn nhiệm vụ của mình. Cung cấp thông tin nóng hổi theo sự kiện là cách tối ưu nhất để thu hút bạn đọc. Nhưng, độ tin cậy và tính thuyết phục mới chính là con đường sống của báo chí trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Không ít người đã từng đặt vấn đề rằng: “Mạng xã hội có đang dần thay thế báo chí về cung cấp thông tin?”. Trả lời câu hỏi ấy, không ai khác, chính là những người làm báo điện tử. Giữa một “chợ thông tin” hỗn tạp, chúng tôi hiểu và luôn ý thức được rằng, mình phải làm sao để trở thành nguồn “thông tin sạch”, thực sự bổ ích đối với những độc giả thân yêu đã tin tưởng, lựa chọn.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top