Tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch

13:42 - Thứ Ba, 08/02/2022 Lượt xem: 3596 In bài viết

Ngày 7/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.815 ca nhiễm mới, gồm sáu ca nhập cảnh và 16.809 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.704 ca so với ngày 6/2) tại 61 tỉnh, thành phố.  

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất, với 2.988 ca. Các bệnh nhân phân bố tại 425 xã, phường, thị trấn thuộc 30 trên 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trong ngày, có 9.665 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 100 ca tử vong tại 31 tỉnh, thành phố. Hiện, có 2.194 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt trước năm 2023. Vì vậy, năm 2022, với Việt Nam công tác phòng, chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Toàn ngành phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó tập trung một số vấn đề cơ bản như: Tăng bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, nhất là tiêm mũi ba cho những đối tượng trên 18 tuổi; bảo  đảm việc tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thời gian tới. Tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng như 5K, trong đó đeo khẩu trang là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là năng lực ứng phó với những ca bệnh diễn biến nhanh, tăng nặng..., bảo đảm đáp ứng mọi tình huống về y tế trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tăng cường nhiều hơn đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm bảo đảm hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác...

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang về việc tăng cường triển khai tiêm vắc-xin Abdala. Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10 và 11/2021, Bộ Y tế phân bổ năm triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Abdala cho các địa phương. Tại thời điểm phân bổ, Bộ đã xem xét nhu cầu sử dụng vắc-xin để đáp ứng kịp thời việc triển khai tiêm đủ ba mũi vắc-xin Abdala cho nhóm người từ 19 đến 65 tuổi. Tuy nhiên, theo báo cáo đến ngày 28/1/2022, số vắc-xin Abdala hiện còn tại các địa phương là 541.400 liều. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, không để sót đối tượng tiêm chủng, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân đi tiêm mũi hai, mũi ba vắc-xin Abdala. Triển khai tiêm vắc-xin thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm đủ ba mũi vắc-xin Abdala trong tháng 2/2022, kiên quyết không để vắc-xin phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng. Bộ Y tế  nêu rõ, nếu tỉnh nào để vắc-xin Abdala phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng thì Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top