Tròn hai vai thầy thuốc - chiến sĩ

08:25 - Chủ Nhật, 27/02/2022 Lượt xem: 6608 In bài viết

ĐBP - Người thầy thuốc trong môi trường nào cũng chịu nhiều vất vả, áp lực. Với các y, bác sĩ công tác tại Bệnh xá Trại tạm giam, Công an tỉnh lại áp lực hơn khi phải thực hiện hai vai vừa là chiến sĩ công an vừa là thầy thuốc. Làm việc trong môi trường đặc biệt ấy, những chiến sĩ khoác trên mình tấm áo blouse trắng không chỉ đơn thuần làm tròn trách nhiệm khám chữa bệnh, mà còn là những người cứu chữa vết thương lòng của những số phận đang mất quyền công dân, giúp đỡ họ cải tạo tốt trở về với gia đình, xã hội.

Bác sĩ Bệnh xá Trại tạm giam, Công an tỉnh khám bệnh cho phạm nhân.

Vừa “bắt bệnh” vừa “bắt tâm lý”

Có dịp đến Trại tạm giam Noong Bua, tận mắt chứng kiến công tác khám chữa bệnh của đội ngũ y tế nơi đây, chúng tôi mới phần nào hiểu được những vất vả, áp lực và cả những hiểm nguy mà các y, bác sĩ phải trải qua. Không có những phòng bệnh với đầy đủ thiết bị y tế, nơi khám, chữa bệnh tại Bệnh xá Trại tạm giam Noong Bua là buồng giam, phòng giam. Không có thiết bị máy móc hiện đại, phương tiện phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh ở đây chỉ là vài dụng cụ giản đơn như máy đo huyết áp, ống nghe; các y bác sĩ khám bệnh chủ yếu bằng kinh nghiệm, kiến thức. Cũng bởi vậy khó nhất đối với những người làm công tác y tế ở Trại tạm giam là sự độc lập tác chiến và kinh nghiệm bản thân tự rút ra trong quá trình công tác mà khó có điều kiện chia sẻ.

Trải lòng với chúng tôi những câu chuyện, những tình huống trong nghề y mà có lẽ chỉ diễn ra sau cánh cửa trại giam, Trung úy Bạc Cầm Cương, bác sĩ có hơn 10 năm công tác tại Trại tạm giam Noong Bua chia sẻ: Ngoài xã hội, khi gặp bác sĩ, bệnh nhân luôn khai bệnh trung thực, giúp việc chuẩn đoán bệnh và điều trị dễ dàng hơn, nhưng trong trại giam lại khác. Khi bị bắt, tâm lý phải đi ngồi tù là điều những can phạm nhân không hề mong muốn. Vì vậy, nhiều người có tư tưởng chống đối, bày ra đủ chiêu trò, trong đó nhiều nhất là lợi dụng việc ốm đau, bệnh tật vì những mục đích khác nhau. Chuyện can phạm nhân giả bệnh, kéo dài ngày bệnh xảy ra thường xuyên. Có trường hợp ôm bụng quằn quại kêu đau, chỉ để được đưa ra khỏi buồng giam. Có trường hợp lại dùng móng tay cào vào cổ họng để nôn ra máu, giả vờ xuất huyết dạ dày... với mục đích để gặp gia đình, trốn lao động, thông cung, đi cấp cứu, lợi dụng sơ hở để trốn trại… Hay có những can phạm nhân giả bộ uống thuốc rồi cất giữ thuốc sử dụng vào mục đích khác như gây ngộ độc để được đi cấp cứu, tìm cách trốn trại... 

Tất nhiên qua thăm khám, những trò ma mãnh này không qua được con mắt chuyên môn của các y, bác sĩ tại trại giam. Nhưng như vậy cũng đủ thấy công việc của người thầy thuốc nơi đây luôn căng thẳng, không chỉ chữa bệnh đúng chuyên môn mà còn phải “bắt bệnh” đối với các trường hợp giả bệnh.

Thượng tá Phạm Thành Đồng, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Trại hiện đang giam giữ khoảng 400 can phạm nhân tại 2 cơ sở cách nhau hơn 20km. Trong đó, hơn 10% can phạm nhân nhiễm HIV/AIDS, ngoài ra còn có can phạm nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác, như: viêm gan B, lao phổi… Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân không ốm (hoặc ốm nhẹ) mà cho đi viện, rất có thể can phạm lợi dụng cơ hội trốn hoặc nằm lại ở bệnh viện để đối phó cơ quan điều tra. Nếu bệnh nhân nặng mà không chữa trị kịp thời cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Bởi vậy, đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ trại giam không những giỏi chuyên môn, mà còn phải khéo léo và tỉnh táo; có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, phối hợp quản lý người bị tạm giam và giáo dục cải tạo phạm nhân.

Hơn cả trách nhiệm

Làm việc trong môi trường và điều kiện còn nhiều khó khăn, công việc nhiều, tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập, khả năng phơi nhiễm cao… là thực tế mà các y, bác sỹ tại Trại tạm giam, Công an tỉnh đang phải đối mặt. Vậy nhưng, với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và y đức đối với người bệnh, những “chiến sĩ áo trắng” ấy vẫn đang từng ngày, từng giờ thực hiện tròn hai vai trách nhiệm đối với những bệnh nhân cũng là phạm nhân trong trại.

Sáng sớm, dù chưa đến giờ làm việc nhưng Thượng úy Cà Văn Quyết, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại tạm giam, Công an tỉnh vội vàng thu xếp việc nhà để đến cơ quan, bởi có bệnh nhân cần phải khám gấp. Không phải chỉ hôm nay Thượng úy Quyết mới vội vàng như vậy, 14 năm công tác ở Bệnh xá Trại tạm giam Noong Bua cũng là từng ấy năm gắn liền với các bệnh nhân đặc biệt – những bệnh nhân “mang áo số” không có người nhà chăm sóc. Đối với họ, những y, bác sĩ tại bệnh xá vừa là thầy thuốc, vừa là người thân của họ. Cũng bởi vậy, khi bệnh nhân cần, dù là thầy thuốc hay người thân thì cũng đều phải luôn sẵn sàng ở bên.

Mới đây, Trại tạm giam Noong Bua tiếp nhận một phạm nhân nữ người dân tộc Mông. Sẽ không có gì đáng nói nếu phạm nhân ấy không đưa theo cả đứa con nhỏ chưa đầy 10 tháng tuổi cùng vào trại giam. Những ngày mới vào trại, đêm nào đứa con cũng khóc ngằn ngặt vì mẹ không đủ sữa và có lẽ vì “lạ nhà”. Thế rồi, những y, bác sĩ trong Bệnh xá, chẳng ai bảo ai, người mang cho quần áo, người cho sữa, người cho những đồ dùng cần thiết để chăm sóc trẻ nhỏ; mọi chế độ cho cháu nhỏ, từ việc tiêm chủng định kỳ đến chế độ sinh hoạt hàng ngày được các y, bác sĩ quan tâm chu đáo. Đổi lại sự tận tâm ấy, đứa trẻ đã không còn khóc nhiều nữa, thay vào đó là tiếng nô đùa, tiếng cười trẻ thơ hồn nhiên. Đó không chỉ là động lực giúp người mẹ trẻ nỗ lực cải tạo tốt, đưa con trở về với gia đình mà còn là niềm an ủi, động viên, góp phần giảm áp lực sau mỗi ngày làm việc của các y, bác sĩ nơi đây.

Với đặc thù công tác có 2 cơ sở cách nhau hơn 20km, trong khi cả Bệnh xá chỉ có 6 y, bác sĩ nên mỗi cán bộ y tế phải đảm nhiệm mọi công việc của một bệnh viện thu nhỏ từ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đến phòng dịch, thậm chí cả mổ xẻ đơn giản. Chính vì vậy, "lính" y tế ở đây đều thiện chiến, biết nhiều kỹ năng. Các y, bác sĩ trong Bệnh xá thường nói vui với nhau, phạm nhân còn được ốm nhưng bác sĩ thì không, bởi nếu ốm, công việc sẽ ùn tắc hoàn toàn. Bác sĩ ở bệnh viện còn có ngày nghỉ, còn được nghỉ bù nhưng ở trại giam, vì trách nhiệm với hàng trăm phạm nhân đòi hỏi các cán bộ y tế luôn phải nỗ lực hết mình. Cũng nhờ sự nhiệt thành ấy, suốt những năm qua, các cán bộ y tế của Trại tạm giam Công an tỉnh đã giúp hàng nghìn lượt bệnh nhân “mang áo số” của mình lành lặn về cơ thể, khỏe mạnh về tâm lý trở về với gia đình, với cộng đồng.

Chúng tôi rời Trại tạm giam Noong Bua khi trong lòng vẫn còn bao cảm xúc về chuyện nghề của những y, bác sĩ nơi đây, mà hơn hết là lòng khâm phục. Bởi vượt qua tất cả những khó khăn, hiểm nguy, với những chiến sĩ khoác trên mình tấm áo blouse trắng ấy, hạnh phúc đơn giản là khám được bệnh, cứu được phạm nhân và góp phần giúp họ làm lại cuộc đời, tìm về mầm thiện. Đúng như lời tâm sự của bác sĩ Cà Văn Quyết khi chia sẻ chuyện nghề với chúng tôi: “Đã là y, bác sỹ thì nhiệm vụ quan trọng nhất là cứu người, không cần phải phân biệt người đó là ai. Những phạm nhân đang cải tạo ở đây là những người đã phạm tội, đang chịu sự trừng phạt của pháp luật. Khi đã nhận ra sai lầm của mình, họ đáng thương hơn đáng trách. Khi đến với chúng tôi, họ là những bệnh nhân và nhiệm vụ của người thầy thuốc là làm tròn bổn phận, trách nhiệm với tinh thần "lương y như từ mẫu”.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top