Góc nhìn - Tiêu điểm

Lạm dụng test nhanh

10:14 - Thứ Bảy, 05/03/2022 Lượt xem: 4695 In bài viết

ĐBP - Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao (có ngày hơn 1.000 ca); còn những trường hợp là F1 rất nhiều. Thực tế đó khiến nhiều người lo lắng, tìm mua các loại kít test nhanh Covid-19 trên thị trường về tự test; thậm chí có người còn mua vài hộp dự trữ trong gia đình. Do nhu cầu của người dân tăng cao nên những ngày gần đây, tại thị trường Điện Biên có dấu hiệu khan hiếm kít test nhanh Covid-19. Qua khảo sát, trung bình một bộ kít test nhanh được bán tại các cửa hàng thuốc trên địa bàn tỉnh có giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/bộ tùy từng loại.

Có những bệnh nhân (F0) theo dõi tại nhà, ngày test đến vài lần vào sáng, trưa, chiều tối. Ngày nào cũng test để xem vạch “T” nhạt hơn chưa và khi nào âm tính. Hay gia đình có một người F0 thì cả nhà đều test liên tục. Người có triệu chứng test, người không triệu chứng cũng test. Thậm chí có gia đình không ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ Covid-19.

Kết quả test nhanh còn phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu. Chẳng hạn, ở giai đoạn ủ bệnh hay khi vừa tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, người bệnh có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng vi rút thấp. Khi đó, khả năng âm tính cao bởi vi rút chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh.

Việc test nhanh Covid-19 là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Tuy nhiên, lạm dụng test nhanh là việc không nên. Các cơ quan chức năng khuyến cáo việc làm này rất lãng phí mà không cần thiết. Theo văn bản số 762/BYT-DP, ngày 21/2/2022 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần, quy định: Nếu F1 (đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin theo quy định) chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly; nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện “5K”. Còn nếu F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7 sau khi cách ly. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng, ngày nào cũng mua kit để xét nghiệm gây lãng phí và dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại kít-test nhanh.

Test nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, không cần thiết phải mua quá nhiều kít test và xét nghiệm nhanh liên tục, vừa lãng phí, không cần thiết lại gây ra hậu quả nhãn tiền là khan hiếm các kit xét nghiệm nhanh. Điều này dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến công tác chống dịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top