Xử lý hóc xương đúng cách

07:33 - Thứ Hai, 22/08/2022 Lượt xem: 3876 In bài viết

ĐBP - Hóc xương là tình huống thường gặp trong cuộc sống, gây cảm giác khó chịu và đau đớn. Nếu không có cách xử lý đúng sẽ làm tình trạng hóc xương nặng nề hơn, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Do đó, mọi người cần xử lý đúng cách khi gặp phải tình huống hóc xương để hạn chế biến chứng nặng có thể gây ra.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân nhập viện do bị hóc xương và gặp phải những biến chứng do hóc xương gây ra. Bệnh nhân Giàng Thị B., 45 tuổi, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám trong tình trạng đau cổ họng, nuốt đau do ăn thịt gà bị hóc xương 3 ngày và cảm giác đau tăng lên khi nuốt. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sức khỏe, tiến hành xét nghiệm, chụp X-quang phát hiện dị vật nằm trong thực quản. Mặc dù được bác sĩ tiến hành gắp dị vật thành công nhưng sau thủ thuật, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều nên được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để theo dõi và điều trị.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), qua trường hợp của bệnh nhân B., người dân nên đề cao cảnh giác để tránh mắc dị vật đường ăn uống. Khi phát hiện có người bị hóc xương, mọi người cần có cách sơ cứu kịp thời và đúng cách. Đối với người bị hóc xương, cần ngừng nuốt ngay lập tức, nếu cố nuốt sẽ không thể làm xương trôi xuống mà chỉ càng khiến cho xương đâm sâu hơn, gây tổn thương; không cố gắng khạc mạnh nhiều lần hay ăn bất cứ gì nhằm đẩy xương xuống có thể gây nghẹn. Các phương pháp chữa mẹo như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, vỏ, lá... khá rủi ro, không nên áp dụng. Cần cố gắng nôn ra càng sớm càng tốt, tuyệt đối không dùng ngón tay mò mẫm trong họng để tránh đẩy xương vào sâu cuống họng; bình tĩnh để người thân kiểm tra cổ họng, nếu xương mắc ở những vị trí có thể nhìn thấy được thì có thể dùng kẹp y khoa để gắp ra và tiếp tục theo dõi xem còn bị đau hay cảm thấy vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không. Trường hợp nếu nghi ngờ xương vẫn còn mắc kẹt ở 1 vị trí nào đó trong họng hay trong thực quản, nạn nhân cần đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời. Không nên để lâu sẽ gây khó khăn khi xác định vị trí của xương, có thể gây biến chứng nặng, việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Dẫn chứng cụ thể về biến chứng xảy ra khi xương hóc đi xuống thực quản dạ dày là trường hợp bệnh nhân Vừ. A. T., 28 tuổi, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên). Ngày 9/8 vừa qua, bệnh nhân T. phải nhập viện điều trị do thủng tạng rỗng vì nuốt phải xương cá. Theo lời người nhà kể lại, trong bữa ăn bệnh nhân có ăn cá, sau ăn xuất hiện đau bụng, đau tăng dần, âm ỉ, không sốt, 6 giờ sau được người nhà đưa vào viện. Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc nghi do thủng tạng rỗng. Sau khi hội chẩn các bác sĩ Khoa ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật lấy dị vật là xương cá, khâu lỗ thủng, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Để phòng ngừa hóc xương, mọi người cần chú ý, khi chế biến thức ăn nên lọc thịt riêng, xương riêng, không nên chặt thịt lẫn xương sẽ dễ lẫn xương vụn. Khi ăn nên tập trung, không nên vừa ăn, vừa nói chuyện nhiều, cười đùa khi ăn. Nên ăn chậm, nhai kỹ. Kiểm tra kỹ lưỡng thức ăn để loại trừ xương trước khi cho trẻ và người già ăn. Ngoài ra, khi bị hóc xương nhiều người rất e ngại, không tới bệnh viện ngay, vài ngày sau mới tới có thể đã quá trễ, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, khi bị hóc xương, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không chủ quan, tự ý xử lý tại nhà khi hóc xương, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top