Phát hiện, điều trị sớm đồng nhiễm HIV/viêm gan C

07:36 - Thứ Hai, 26/09/2022 Lượt xem: 6024 In bài viết

ĐBP - Phát hiện, điều trị sớm viêm gan C ở người nhiễm HIV sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng trở nặng và tử vong, kể cả với người đang điều trị thuốc ARV. Được tổ chức quốc tế hỗ trợ, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 645 bệnh nhân HIV được điều trị đồng nhiễm viêm gan C.

Bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn xét nghiệm viêm gan C cho người nhiễm HIV.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV là khoảng 34,4%. Trên địa bàn tỉnh ta, hiện đang điều trị ARV cho trên 2.900 bệnh nhân HIV. Chi phí xét nghiệm, xác định tải lượng virus viêm gan C cao, vì thế những năm qua việc phát hiện viêm gan C trên người nhiễm HIV còn rất hạn chế. Năm 2022, được Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ, cùng với các địa phương trong cả nước, Điện Biên đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ở những đối tượng có nguy cơ cao, phát hiện và đưa vào điều trị đồng nhiễm cho 645 bệnh nhân thuộc nhiều huyện, thị, thành phố.

Cần thiết phải điều trị đồng nhiễm 2 bệnh trên bởi tình trạng vi rút viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C. Những năm qua, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể do việc mở rộng điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, ở các trường hợp đồng nhiễm HIV/viêm gan C, tỷ lệ tử vong không có xu hướng giảm, do người bệnh hạn chế tiếp cận với điều trị thuốc viêm gan C. Hiện nay, bệnh viêm gan C mạn tính đã có thuốc điều trị khỏi với tỷ lệ đạt ức chế vi rút bền vững tới trên 97%. Bởi vậy việc tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV góp phần quan trọng duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV.

Bác sĩ Chuyên khoa I, Trịnh Thế Quyền, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Người đồng nhiễm HIV/viêm gan C mãn tính thường có sức khỏe suy giảm. Viêm gan C giai đoạn đầu chỉ làm xét nghiệm mới phát hiện được, dấu hiệu nhẹ hoặc không có triệu chứng và dễ bị nhầm lẫn. Đến khi phát xuất hiện vàng da, vàng mắt, biếng ăn... thì đã chuyển giai đoạn xơ gan. Có đến 20% số bệnh nhân phát hiện viêm gan C là đã chuyển xơ gan nặng, không điều trị được. Đối với các trường hợp đồng nhiễm được ghi nhận, chúng tôi hướng dẫn, tiếp cận điều trị, uống thuốc, tư vấn ăn uống, sinh hoạt... Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến huyện. Điều trị trong khoảng 3 tháng, sau đó sẽ xét nghiệm lại để đánh giá kết quả. Nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị tốt thì đến 97% bệnh nhân có thể khỏi bệnh viêm gan C”.

Để hạn chế lây lan và tiến triển nặng của bệnh, các bác sĩ cũng đưa ra nhiều khuyến cáo, đặc biệt là phòng, tránh. Được biết đường lây truyền của vi rút viêm gan C tương tự như đường lây truyền ở người nhiễm HIV, bao gồm lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu và từ mẹ truyền cho con. Người nhiễm vi rút viêm gan C chủ yếu gặp ở người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm gan C thì người bệnh cần có chế độ ăn uống đủ chất; hạn chế những thói quen làm ảnh hưởng xấu đến gan như uống bia rượu, hút thuốc lá, thức khuya; không ăn thực phẩm bị nấm mốc; tập luyện thể dục, thể thao vừa sức để tăng cường khả năng tuần hoàn đưa máu nuôi dưỡng gan, đồng thời tiết mồ hôi giúp đào thải bớt độc chất qua da...

Ông Vũ Hải Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Chương trình hỗ trợ điều trị đồng nhiễm HIV/AIDS là cơ hội tốt, hiếm có cho người bệnh phát hiện, hiểu rõ tình hình sức khỏe của mình, để kịp thời điều trị. Rà soát có gần 400 bệnh nhân có nhu cầu đăng ký tham gia điều trị nếu chương trình tiếp tục triển khai vào năm 2023, nhưng phải chờ nguồn lực từ quỹ toàn cầu”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top