Số ca tử vong do tay chân miệng tăng hơn 10 lần so với năm 2022

16:29 - Thứ Tư, 10/01/2024 Lượt xem: 2227 In bài viết

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 180.983 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022, 31 trường hợp tử vong (tăng 10,3 lần so với năm 2022).

Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam, trong đó có nhiều ca nặng, biến chứng và tử vong. TP Hồ Chí Minh ghi nhận ca mắc tay chân miệng vào nhập viện đông nhất. Thời gian cao điểm, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 80%.

Trẻ nhập viện đến từ nhiều tỉnh, TP như: Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Bình Phước...

Trẻ em đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngoài ra, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, đậu mùa khỉ, dại đều tăng so với năm 2022. Cụ thể, bệnh dại ghi nhận 82 ca tử vong trên cả nước, tăng 12 ca so với cùng kỳ 2022; sốt phát ban nghi sởi có 393 trường hợp mắc, tăng 35 ca; bạch hầu ghi nhận 55 ca mắc, 5 ca tử vong; đậu mùa khỉ có 121 ca mắc, 6 ca tử vong; sốt rét 1 ca tử vong và viêm não virus 8 ca tử vong.

Riêng COVID-19, cả nước ghi nhận 99.479 ca mắc và 20 ca tử vong. 

Theo Bộ Y tế, năm 2024, Bộ sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Năm 2023, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, dẫn tới nhiều trẻ em bị bỏ lỡ lịch tiêm chủng, đứng trước nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Năm nay, Bộ Y tế sẽ khắc phục tình trạng này, bằng việc đã ký 10 loại vaccine sản xuất trong nước và sẽ phân bổ về các địa phương trong tháng 1. Việc cấp phát vaccine sẽ được tăng cường thêm nhiều chuyến đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã phường.

Bộ Y tế tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. 

Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tại các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi mắc các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bạch hầu...có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.

Bộ Y tế sẽ tăng cường truyền thông đến người dân để phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế bệnh biến chứng nặng và tử vong. 

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top