Khẳng định mô hình đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao

06:49 - Chủ Nhật, 25/02/2024 Lượt xem: 3652 In bài viết

Bác sĩ nội trú là hình thức đào tạo đặc biệt chỉ có ở các trường đại học y dược..., với những đóng góp trong công tác khám, chữa bệnh có thể khẳng định, bác sĩ nội trú là mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao của ngành y tế.

Hướng dẫn đặt nội khí quản trên mô hình.

Mô hình đào tạo bác sĩ nội trú xuất phát từ CH Pháp, sau đó được mở rộng tại nhiều nước và được duy trì đến nay. Nhiều nước coi việc đào tạo bác sĩ nội trú là yêu cầu bắt buộc để cấp chứng chỉ hành nghề trước khi bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh.

Chương trình đào tạo nội trú diễn ra chủ yếu tại cơ sở thực hành, học viên tự học và thực hành dưới sự giám sát và chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa; nâng dần năng lực và trách nhiệm trong thực hành tay nghề; quá trình dạy và học dựa trên chuẩn năng lực tay nghề và các năng lực quan trọng khác. Bác sĩ nội trú được bệnh viện nơi thực hành trả lương trong quá trình học tập; bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo (trường hoặc bệnh viện) cấp, được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tại nước ta, năm 1974, Bộ Y tế ban hành “Quy định tạm thời về chế độ đào tạo học sinh nội trú bệnh viện ở các trường đại học ngành y tế”, giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo nội trú bệnh viện cho Trường đại học Y khoa Hà Nội, Trường đại học Dược khoa Hà Nội và các cơ sở thường trú được lập tại các bệnh viện (Bạch Mai, Việt Đức, Tâm thần); các viện nghiên cứu (Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Tai mũi họng, Lao, Mắt, Nhi, Đông Y); các bệnh viện địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Việt Bắc, Thái Bình. Đây là văn bản đầu tiên quy định cụ thể trách nhiệm của nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo Nội trú bệnh viện Khóa Bác sĩ Nội trú bệnh viện đầu tiên được tuyển sinh vào tháng 2/1974 với năm chuyên ngành Nội, Ngoại, Tai Mũi Họng, Thần kinh, Lây (Truyền nhiễm).

Trải qua 50 năm, từ những giai đoạn đầu khó khăn, thiếu thốn, từ chưa có chương trình, chưa có kinh nghiệm đào tạo trên đại học nhưng với sự nỗ lực và đóng góp công sức của đội ngũ giảng viên, Trường đại học Y Hà Nội đã từng bước tiếp cận và xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo phù hợp từng giai đoạn.

Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú đã từng bước hình thành, tích lũy, hoàn thiện và phát triển. Đến nay, các trường đại học chuyên ngành y dược có đào tạo bác sĩ nội trú gồm: Y Hà Nội, Y Dược TP Hồ Chí Minh, Y Dược Cần Thơ, Y Huế, Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong đó Trường đại học Y Hà Nội là cơ sở có bề dày và nhiều kinh nghiệm nhất trong việc triển khai mô hình đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tinh hoa của ngành y tế.

GS, TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội nêu rõ, yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của mô hình đào tạo bác sĩ nội trú đó là việc tổ chức tuyển sinh, lựa chọn chuyên ngành công khai, công bằng và có tính cạnh tranh. Đặc biệt, quá trình đào tạo bác sĩ nội trú rất chặt chẽ, thậm chí là khắt khe.

Người thầy (giảng viên nhà trường và bệnh viện) hướng dẫn, kèm cặp, giám sát, hỗ trợ và chuyển giao kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các bác sĩ nội trú. Người thầy đồng thời là đồng nghiệp lớn trong chuyên môn đồng hành cùng học viên. Trong quá trình đào tạo thì việc tự học, tích lũy kinh nghiệm, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong năng lực thực hành. Ngoài ra, chính bác sĩ nội trú cũng đóng vai trò người thầy, khi bác sĩ nội trú khóa trên kèm cặp, hướng dẫn và đồng hành cùng các bác sĩ nội trú khóa sau trong các hoạt động chuyên môn.

Công tác đào tạo bác sĩ nội trú có thay đổi từ sau năm 2015 đến nay khi Bộ Y tế giao cho Trường đại học Y Hà Nội thí điểm đổi mới đào tạo bác sĩ nội trú. Nhờ đó, số lượng bác sĩ nội trú được đào tạo tăng cao. Nếu như số lượng bác sĩ nội trú được đào tạo trong 50 năm qua là 4.699 người (trong tổng số 6.890 bác sĩ nội trú được đào tạo trong cả nước) thì riêng 10 năm qua đã có 2.982 người (1.781 đã tốt nghiệp và 1.201 đang học).

Đáng chú ý, trước năm 2015, có tới 90% số bác sĩ nội trú sau khi tốt nghiệp ở lại các trường hoặc các bệnh viện tuyến trung ương thì sau năm 2015, tỷ lệ bác sĩ nội trú sau khi tốt nghiệp về bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và cơ sở ngoài công lập tăng, chiếm khoảng 35%. Đội ngũ bác sĩ nội trú đang là những người giữ vị trí quản lý và có vai trò chuyên môn quan trọng trong hệ thống các cơ sở y tế.

Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa của ngành y tế. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, học viên có thể hành nghề ngay lập tức và không phải trải qua bất kỳ khóa học nào khác và cơ hội làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành là rất lớn.

Do vậy, thời gian tới, Trường đại học Y Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo cũng như mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh (có thể tới 90% số sinh viên tốt nghiệp) đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh những chính sách liên quan đến đào tạo bác sĩ nội trú, từ việc điều chỉnh thời gian học đến cấp chứng chỉ hành nghề, được trả lương trong thời gian học... Bên cạnh đó, việc đào tạo bác sĩ nội trú cần được mở rộng, nhất là việc đào tạo theo địa chỉ (sở y tế, bệnh viện ngoài công lập).

Mặc dù là đào tạo tinh hoa, nhân lực chất lượng cao, nhưng đào tạo bác sĩ nội trú vẫn là mô hình đào tạo nằm trong ngành y tế, do vậy GS, TS Đoàn Quốc Hưng cho rằng, việc đào tạo bác sĩ nội trú cần được luật hóa và có sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Bằng bác sĩ nội trú cần được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia về đào tạo trình độ sau đại học, bậc đào tạo tiếp theo. Bác sĩ nội trú được xác định vị trí việc làm theo trình độ và bậc lương tương xứng và ngạch, bậc lương và phụ cấp nghề nghiệp của bác sĩ nội trú cần được xác định phù hợp trong quá trình đào tạo cũng như sau khi tốt nghiệp. Bộ Y tế cần xác định đào tạo bác sĩ nội trú là không thể thiếu trong hệ thống đào tạo chuyên sâu; có chính sách hỗ trợ học phí, cấp chứng chỉ hành nghề; xác định quan hệ viện-trường trong quá trình đào tạo...

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top