Video

Trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Lào cùng Tết té nước

Thứ Ba, 17/04/2018 15:04 Lượt xem: 7358 In bài viết

ĐBP - Tồn tại từ hàng chục năm, sau nhiều biến cố của lịch sử, gắn với quá trình định cư, lập bản, Tết té nước (Bun Huột Nặm) hiện nay vẫn được đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) gìn giữ, bảo tồnVới những yếu tố đậm văn hóa dân gian truyền thống, Tết té nước của người Lào ở Na Sang 1 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình văn hóa truyền thống. Đến bản Na Sang 1 vào dịp diễn ra Tết té nước, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều nét độc đáo trong nghi thức, tín ngưỡng truyền thống và đắm mình vào không gian văn hóa đậm sắc màu với đa dạng trò chơi dân gian thú vị.

Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày trung tuần tháng 4 dương lịch, đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) lại rộn ràng với các hoạt động của Tết té nước (Bun Huột Nặm). Năm nay, không khí chuẩn bị càng rộn ràng, phấn khởi hơn khi người dân nơi đây được đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp. Đây không chỉ là sự ghi nhận trước quá trình cố gắng, nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống, mà còn là nguồn động viên, khích lệ để người dân nơi đây tiếp tục bảo tồn và phát huy.

Khu vực chính diễn ra các hoạt động tín ngưỡng và vui chơi là nhà văn hóa bản. Tại đây, bà Mo cùng đội nghi lễ là những người cao tuổi, có uy tín trong bản thực hiện các nghi thức cầu lễ. Cùng với bài khấn cầu của bà Mo, vẩy nước thơm và buộc chỉ tay là 2 nghi thức quan trọng và mang đặc trưng riêng có của Tết té nước Lào, với ý nghĩa cầu may, chúc phúc cho mọi người một năm mới bình an, không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển.

Mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, song lại hết sức hoạt náo, thể hiện sự lạc quan trong đời sống tinh thần của đồng bào Lào, đó là Lễ cầu mưa (xin nước mưa). Những phụ nữ có tài ăn nói, hát giỏi, biết đối đáp khéo léo sẽ được lựa chọn làm chủ của đoàn đi xin nước. Họ lần lượt đến các gia đình làm ăn phát đạt, có uy tín trong cộng đồng để xin nước, như một cách xin lộc, xin phúc cho mọi gia đình trong bản.

Sôi nổi, hào hứng, hấp dẫn và mang tính cố kết cộng đồng cao, lôi cuốn số lượng lớn người dân và du khách tham dự là các trò chơi truyền thống: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), xưa khốp mu (hổ vồ lợn), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), pít mắc tanh (hái dưa chín)... Ngoài mục đích vui chơi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thì đây là những hoạt động tái hiện quá trình định cư, lập bản; bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch họa, bảo vệ mùa màng, cuộc sống yên vui, hạnh phúc… Với những nét độc đáo riêng và mang tính cộng đồng cao nên các trò chơi truyền thống luôn thu hút không chỉ đông đảo người dân mà cả du khách tham gia cổ vũ, cũng như trực tiếp trải nghiệm.

Khi mặt trời đứng bóng, cũng là lúc mọi người thực sự “sống” cùng lễ hội. Du khách và người dân nối chân đổ dồn xuống suối Nậm Núa – nơi diễn ra nghi thức dâng lễ vật cúng thần suối và té nước suối lên người. Theo quan niệm của người Lào nơi đây, nước té càng cao, người tham gia bị ướt càng nhiều thì năm đó càng dồi dào sức khỏe, thời tiết diễn biến thuận lợi, mùa màng bội thu. Bởi ý nghĩa đó mà đây là hoạt động thú vị và thu hút đông đảo người tham gia nhất. Trong tiếng cười rộn rã, hàng trăm người dân và du khách hòa mình dưới dòng suối mát, cùng nhau té nước lên người, cho đến khi thực sự thấm mệt mới ngừng. Kết thúc nghi thức, cũng là lúc ai nấy đều ướt đẫm. Mọi người ra về trong sự hân hoan, phấn khởi và niềm tin về những ngày sau đó ngập tràn may mắn và mạnh khỏe.

Không chỉ là sự kiện đánh dấu sự nỗ lực, việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Tết té nước đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn; cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào; song đồng thời cũng đặt lên vai người dân, cũng như các cấp chính quyền và những người làm văn hóa địa phương trách nhiệm lớn hơn. Làm sao để di sản bắt nguồn từ cuộc sống, thì không chỉ sống mãi, mà hơn thế cũng luôn phải được phát huy giá trị trong đời sống.

Hà Linh

Back To Top