Video

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Bảy, 21/05/2022 06:29 Lượt xem: 9713 In bài viết

ĐBP - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các địa phương, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, quan tâm đến việc dạy nghề cho người lao động, hội viên… Thông qua các lớp học nghề, người lao động được trang bị thêm kiến thức và áp dụng vào đời sống; góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập.

Những bịch nấm sò này đều do các học viên lớp dạy nghề trồng nấm ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) tự tay thực hành đóng bịch. Lớp dạy nghề có 35 học viên do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, hầu hết học viên nắm được kỹ thuật cơ bản về trồng nấm sò cũng như nấm rơm. Đến nay, học viên đều có thể tự thực hành trồng nấm tại nhà để có nguồn thu nhập cho gia đình.

Gia đình chị Lò Thị Thắm, bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) hiện có hơn 4.000m2 ruộng và gần 2ha nương trồng ngô, sắn. Dù công việc đồng áng khá bận, thế nhưng chị Thắm vẫn tham gia lớp học nghề trồng nấm với mong muốn có thể chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho mọi người trong gia đình. Từ kiến thức, kỹ thuật học được tại lớp dạy nghề trồng nấm, chị Thắm dự định tập hợp chị em trong bản cùng nhau trồng nấm, ngoài phục vụ bữa ăn gia đình còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

2 năm trước, ông Lò Văn Khụt, bản Huổi Phúc, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) đã tham gia khóa đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt trong ao hồ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức để tìm hiểu thêm và áp dụng kỹ thuật nuôi cá làm giàu. Và đây là ao cá rộng 1.500m2 mà ông Khụt đã áp dụng những kiến thức, kỹ thuật học được từ lớp học nghề đó. Với kiến thức học được cộng thêm chịu khó tìm tòi học hỏi, cá trong ao nhà ông luôn sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Vì vậy trong 2 năm trở lại đây, gia đình ông Khụt đã thu hoạch được 3 vụ cá (mỗi vụ thu hơn 2 tấn cá), trừ chi phí thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.

Với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Từ năm 2020 đến nay, huyện Điện Biên đã tổ chức hơn 30 lớp dạy nghề, đào tạo cho gần 1.100 lao động; trong đó trên 80% lao động qua đào tạo nghề đã có việc làm và áp dụng kiến thức đã học vào phát triển sản xuất.

Để công tác đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế, các địa phương và ban, ngành, đoàn thể đã chú trọng đưa ra nhiều mô hình dạy nghề và hình thức dạy nghề phù hợp. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học sao cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Qua đào tạo nghề đã tạo ra lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, kỹ thuật bài bản có thể áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Việc đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã phần nào giúp người lao động tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trước những kết quả tích cực đó, trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể và địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn có thể chuyển đổi ngành nghề phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Phạm Quang

Back To Top