Những chiến công thầm lặng

14:29 - Thứ Năm, 04/04/2024 Lượt xem: 4619 In bài viết

ĐBP - Những ngày này hoa ban bung nở trắng núi đồi, từ các bản vùng cao đến những tuyến đường, góc phố ở Điện Biên. Đây cũng là thời điểm nhân dân cả nước hướng về Điện Biên - về sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc là những đóng góp lặng thầm, bí mật nhưng không kém phần oanh liệt của lực lượng Công an Nhân dân.

Bài 1: Triệt xóa hoạt động gián điệp của địch

Tháng 11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Cùng với việc tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh, xây dựng trận địa phòng ngự, chúng tung gián điệp, biệt kích tiến hành hoạt động do thám; tập hợp lực lượng phản động, tổ chức các toán phỉ lớn gây bạo loạn ở các địa bàn trọng điểm. Mục tiêu nhằm đánh chiếm vùng giải phóng, mở rộng hành lang kiểm soát, ngăn chặn các tuyến hành quân và vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của ta.

Lực lượng Công an Lai Châu (nay Công an Điện Biên) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

Tiễu phỉ trừ gian

Trước tình hình đó, Ty Công an Lai Châu (nay là Công an Điện Biên) đã chủ động tham mưu cho Ban cán sự tỉnh chỉ đạo huy động các lực lượng tập trung phòng, chống gián điệp, biệt kích; trấn áp phản động, truy quét phỉ bảo vệ dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo vệ vùng giải phóng và căn cứ cách mạng. Lực lượng công an đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ: Xây dựng cơ sở bí mật ở địa bàn trọng điểm và cơ sở nội tuyến trong các tổ chức phản động để đi sâu nắm chắc tình hình; lập nhiều chuyên án đấu tranh, bóc gỡ các đầu mối, tổ chức gián điệp do cơ quan tình báo Pháp và Tưởng Giới Thạch cài lại; tiêu diệt, tác động vô hiệu hóa nhiều toán gián điệp biệt kích của địch tung vào vùng giải phóng, căn cứ cách mạng của ta để hoạt động phá hoại và gây bạo loạn.

Trước tình hình Điện Biên Phủ bị địch chiếm đóng, tổ chức của Công an huyện Điện Biên được bố trí lại, phù hợp với tình hình mới. Một bộ phận ở vùng ngoài làm nhiệm vụ củng cố, bảo vệ cơ sở, quản lý đối tượng, chống thám báo, sẵn sàng đánh địch, chuẩn bị sức người sức của chi viện cho mặt trận tuyến trên. Một bộ phận phối hợp với bộ đội quân báo điều tra nắm tình hình địch, diệt tề trừ gian. Công an huyện Điện Biên phối hợp với quân báo nắm chắc tình hình địch ở Điện Biên Phủ, thường xuyên báo cáo lên cấp trên để có chủ trương kịp thời đối phó với địch.

Ty Công an đã cử một số cán bộ hỗ trợ Công an huyện Điện Biên cùng một số cán bộ của Đảng và chính quyền hướng dẫn nhân dân quanh huyện lỵ rút khỏi nơi địch đóng quân; vận động người dân chạy loạn ở rừng về nơi quy định, ổn định nếp sống, giáo dục ý thức cảnh giác, bảo mật phòng gian. Thành lập các tổ tuần tra canh gác bảo vệ vùng tự do; chỉ đạo công an xã, bản phối hợp với dân quân bảo vệ cho nhân dân thu hoạch mùa vụ, đào hầm, hào chống pháo; tham gia bắt thám báo, giải quyết hậu quả do pháo kích của địch gây ra.

Từ tháng 1/1953 đến tháng 5/1954, lực lượng Công an Điện Biên cùng với Công an khu vực Tây Bắc đã điều tra phát hiện, khám phá, bóc gỡ, vô hiệu hóa 5 tổ chức gián điệp do Pháp và Tưởng Giới Thạch cài lại; tiêu diệt và bắt 6 toán gián điệp, biệt kích của quân đội Pháp nhảy dù xuống địa bàn huyện Điện Biên, Mường Lay, Tuần Giáo và các xã dọc tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào; bắt giữ và tiêu diệt 56 tên gián điệp, biệt kích. Tiêu biểu như ngày 12/4/1954, Công an và dân quân xã Thanh Luông truy bắt được 2 tên thám báo từ Điện Biên ra phía đồi Độc Lập… Qua đó cơ bản đập tan âm mưu hoạt động gián điệp của địch trong chiến dịch, tạo thuận lợi cho bộ đội ta hành quân, tấn công tiêu diệt địch.

Nhờ có lực lượng công an bí mật bảo vệ nên các tuyến đường vận tải lương thực, vũ khí được thông suốt. Trong ảnh: Đơn vị vận tải bằng xe bò phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

Bảo vệ an toàn các mục tiêu

Sau khi thực dân Pháp cho quân chiếm đóng Điện Biên Phủ, Ty Công an Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông, vận chuyển. Trên các tuyến đường quan trọng có các trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại, các đội tuần tra vũ trang. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hành chính phát hiện kẻ gian, người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ.

Sau khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho máy bay liên tiếp bắn phá những nơi xung yếu hòng ngăn chặn cuộc hành quân và vận chuyển lương thực của quân và dân ta. Địch tăng cường tung các toán gián điệp, biệt kích thực hiện do thám điều tra tình hình, tìm mọi cách phá hoại; đánh phá các tuyến đường giao thông, kho tàng, ám hại cán bộ, tuyên truyền chiến tranh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân…

Trước tình hình đó, công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch, đảm bảo cho nhiệm vụ hành quân, trú quân, vận chuyển của bộ đội, dân công; bảo vệ nhân dân và kho tàng, vũ khí, lương thực… trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của lực lượng công an.

Lực lượng công an bí mật bảo vệ Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần Giáo vào Điện Biện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

Để duy trì trật tự trên các tuyến đường, Ty Công an Lai Châu đã thành lập 2 trạm kiểm soát. Một trạm ở thị trấn Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay) bảo vệ bến phà Lai Châu bảo đảm cho việc vận chuyển lương thực từ Ma Lù Thàng đến Điện Biên Phủ. Một trạm ở ngã ba Tuần Giáo, bảo vệ tuyến đường 41 từ đèo Pha Đin đi Điện Biên. Góp phần duy trì ổn định, an toàn trên các tuyến giao thông huyết mạch.

Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, công an tiền phương phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những người giữ kho có lý lịch trong sạch, rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Các đồn, trạm công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện đối tượng phá hoại; triển khai các biện pháp phòng, chống cháy nổ.

Những đóng góp thầm lặng của lực lượng công an đã góp phần quan trọng để ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, ngày 7/5/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Bài 2: Ban Công an xã Anh hùng đầu tiên ở khu vực Tây Bắc

 

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top