Kinh tế Việt Nam cần đề phòng rủi ro từ biến thể Omicron

14:22 - Thứ Sáu, 11/03/2022 Lượt xem: 2116 In bài viết

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cao sức phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng cảnh báo những rủi ro do xung đột tại Ukraine gây ra. 

Việc tăng cường tiêm chủng đẩy lùi Omicron là một mấu chốt thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam do WB công bố ngày 11-3, việc số ca nhiễm tăng nhanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã khiến các chỉ số di chuyển chính giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung lao động, sản xuất và tiêu dùng. Song, dữ liệu thống kê cho thấy, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

WB cũng ghi nhận việc Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt trong bối cảnh giá năng lượng tăng nhanh, nhờ giá lương thực, thực phẩm ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4-2021. 

WB cũng cảnh báo, dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu tốt và phục hồi hiệu quả, tuy nhiên, rủi ro tiêu cực đã tăng cao do số ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước. Việc giá xăng dầu tăng sẽ tiếp tục làm tăng chi phí giao thông, tăng giá tiêu dùng. Cùng với đó, xung đột tại Ukraine sẽ gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, và sẽ tiếp tục tạo ra những căng thẳng mới trong chuỗi cung ứng, tăng áp lực lạm phát. 

Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp đẩy lùi Omicron, như tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 tăng cường, ban hành hướng dẫn y tế phù hợp với thực tế…; song song có những giải pháp như, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá trong nước, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới, đổi mới sáng tạo sản phẩm thông qua chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và hiệp định thương mại tự do hiện có. 

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top