Nhiều dự án chậm hoàn thành quyết toán

08:53 - Thứ Tư, 16/03/2022 Lượt xem: 3496 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, mặc dù Trung ương, địa phương đã có nhiều chủ trương, hướng xử lý đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành, nhưng số công trình hoàn thành chậm quyết toán trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều. Đặc biệt, có những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được quyết toán. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý vốn đầu tư Nhà nước, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài, cũng như khó khăn trong theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.

Dự án nâng cấp, sửa chữa đường nội bản Nậm Pố 1, 2, 3 xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé hoàn thành năm 2021 đến nay chưa quyết toán hoàn thành.

Về cơ bản, công tác quyết toán dự án hoàn thành đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ đầu tư quan tâm, thực hiện. Cơ quan tài chính các cấp đã chủ động bố trí thời gian, cán bộ để thực hiện công tác thẩm tra, trình duyệt quyết toán đảm bảo thời gian theo quy định; đồng thời tích cực đôn đốc, phối hợp giải quyết vướng mắc, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với các chủ đầu tư về công tác quyết toán dự án hoàn thành. Tính đến hết tháng 1/2022, toàn tỉnh đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán được 460/706 dự án của năm 2021. Các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng được giải quyết đảm bảo thời gian, quy định góp phần tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả.

Tuy nhiên, số dự án, công trình hoàn thành chưa được chủ đầu tư lập và nộp báo cáo quyết toán còn 181 dự án, công trình; trong đó, chủ yếu là công trình thuộc cấp xã quản lý 120 công trình. Đặc biệt, đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh còn 40 dự án, công trình hoàn thành từ năm 2005 đến hết năm 2014 chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định; trong đó, chủ yếu tồn đọng ở huyện Mường Nhé 26 dự án, công trình thuộc thẩm quyền phê duyệt quyết toán của UBND huyện. Việc chậm nộp báo cáo quyết toán dẫn đến tình trạng tồn đọng quyết toán các dự án hoàn thành, dễ gây thất lạc hồ sơ quyết toán, ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không tất toán được tài khoản của dự án, gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.

Mường Nhé là một trong những huyện còn tồn đọng nhiều dự án hoàn thành chưa quyết toán. Đến nay, toàn huyện còn 70 dự án, công trình hoàn thành chưa quyết toán; trong đó, có 4 dự án thuộc cấp tỉnh quyết toán, 35 dự án thuộc cấp huyện và 31 dự án thuộc cấp xã. Điển hình, công trình nước sinh hoạt bản Huổi Lích 2, xã Nậm Kè, với tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương tình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường. Công trình này được đầu tư năm 2009 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng đến nay chưa nộp hồ sơ quyết toán, với lý do chưa thống nhất được số liệu. Tuy nhiên hiện nay nhà thầu không có mặt trên địa bàn huyện nên cơ quan chức năng không hoàn thiện hồ sơ, nộp cơ quan thẩm tra, phê duyệt.

Ông Nguyễn Khánh Đạt, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Nhé cho biết: Một số công trình, dự án, nhất là những dự án từ những năm 2014 trở về trước chưa nộp hồ sơ quyết toán, chủ yếu do số liệu vênh nhau giữa các đơn vị; do thay đổi lãnh đạo, nhiều hồ sơ thất lạc; một số nhà thầu thi công hiện nay không còn trên địa bàn hoặc đã giải thể; trong khi một số công trình, dự án đầu tư vào thời điểm chia tách huyện Mường Nhé và thành lập huyện Nậm Pồ dẫn đến thất lạc hồ sơ, thay đổi con người...

Để đẩy nhanh quyết toán, UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án báo cáo, nêu rõ những tồn tại, vướng mắc của từng dự án, vướng ở khâu nào, hồ sơ, thủ tục hay số liệu chênh nhau. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư khẩn trương rà soát các dự án hoàn thành nhưng chưa thực hiện phê duyệt quyết toán, đặc biệt là các dự án chậm lập, nộp hồ sơ quyết toán để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết trình cơ quan chức năng thẩm tra, phê duyệt.

Nguyên nhân một số chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 2 năm chủ yếu do dự án trải qua thời gian thực hiện dài, có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, con người; một số dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng nhưng có thời gian thực hiện dự án tương đối dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hồ sơ pháp lý của dự án do chính sách chế độ, giá cả thay đổi, có dự án phải điều chỉnh dẫn đến điều chỉnh dự toán, quy mô, tổng mức đầu tư gây khó khăn trong công tác giao nộp hồ sơ dự án. Đối với công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác quyết toán, dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thống nhất kết quả thẩm tra, trình phê duyệt...

Theo ông Đinh Bảo Dũng, Giám đốc Sở Tài chính, để đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt xử lý dứt điểm các dự án, công trình hoàn thành từ năm 2014 trở về  trước, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ và tỉnh; tăng cường kiểm tra, rà soát danh mục dự án hoàn thành còn tồn đọng và khẩn trương lập nộp báo cáo quyết toán dự án. Riêng đối với các dự án hoàn thành từ năm 2014  trở về trước chưa quyết toán, cần xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án và đề xuất, kiến nghị  có căn cứ, cơ sở pháp lý; phối hợp với cơ quan tài chính trong việc lập báo cáo quyết toán và thống nhất số liệu; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác lập, nộp báo cáo quyết toán đối với dự án thuộc thẩm quyền cấp huyện...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top