Phát triển kinh tế tập thể sau dịch bệnh

05:49 - Thứ Hai, 09/05/2022 Lượt xem: 2161 In bài viết

ĐBP - Trong hai năm 2020 - 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên người; dịch bệnh trên đàn vật nuôi và giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao... đã  tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) trong toàn tỉnh. Đã có nhiều HTX phải ngừng sản xuất do không có nguyên liệu, hàng hóa tồn kho, lương công nhân lao động chậm trả, công nhân nghỉ việc; không có nguồn trả nợ vốn vay, lãi vay... Một số HTX đã phải xin giải thể, ngừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng.

Bà Lê Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Quà Điện Biên kiểm tra các sản phẩm tại Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX.

HTX Quà Điện Biên được thành lập năm 2019. Trong nửa năm đầu, HTX với ngành nghề chính là sản xuất, bán những sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Gạo, măng, miến, sản phẩm thổ cẩm... hoạt động hiệu quả, doanh thu đạt cao. Tuy nhiên từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch giảm mạnh, giao thương không thông suốt khiến cho lợi nhuận của HTX đã giảm từ 80 - 90% và hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Thậm chí cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm phải đóng cửa nhiều tháng.

Bà Lê Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Quà Điện Biên cho biết: Đặc thù ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu là nông sản và ẩm thực nên hạn sử dụng rất ngắn. Khi dịch bệnh xảy ra, một số sản phẩm, kể cả gạo cũng bị hỏng hoặc giảm chất lượng, dẫn đến phải tiêu hủy, thiệt hại về kinh tế không nhỏ. Từ tháng 3/2022 đến nay, hoạt động của HTX mới trở lại bình thường.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh đã có 14 HTX ngừng hoạt động, 16 HTX giải thể và hàng chục HTX khác hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ giai đoạn này để củng cố hệ thống cơ sở sản xuất; linh hoạt, sáng tạo chuyển hướng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.

Đơn cử như HTX Làng nghề mây tre đan Nà Tấu, trước dịch bệnh đã cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, U Đôm Xay (CHDCND Lào) nhiều sản phẩm... Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và vận chuyển các đơn hàng đến khách hàng làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của các thành viên HTX.

Ông Lò Văn Cương, Chủ tịch HTX Làng nghề mây tre đan Nà Tấu cho biết: Thời điểm việc kinh doanh bị tạm ngưng thì thu nhập của các thành viên giảm từ 1,2 triệu đồng/tháng còn khoảng 900 nghìn đồng/tháng. Để đảm bảo cuộc sống cho các thành viên HTX, bên cạnh việc duy trì nghề truyền thống, HTX đã tích cực vận động các thành viên tận dụng lợi thế đất đai để chăn nuôi, trồng trọt lấp vào khoảng trống khi không làm các đơn hàng. HTX tích cực vận động thành viên trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, vịt, trồng mắc ca... đến nay các thành viên HTX đã trồng được 12ha cây mắc ca.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 470 tổ hợp tác với tổng số 4.045 thành viên tham gia; 198/268 HTX đang hoạt động với 6.309 thành viên. Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Trong tổng số 198 HTX đang hoạt động, năm 2021 doanh thu bình quân của một HTX ước đạt 1,6 tỷ đồng, lãi bình quân ước đạt 150 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 43 triệu đồng/năm. Hoạt động của các HTX đã đóng góp vào việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới (đạt tiêu chí số 13). Một số HTX đã có hoạt động gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã có sản phẩm đạt OCOP.

Năm 2021 Liên minh HTX tỉnh đã vận động, tư vấn về trình tự thủ tục, hỗ trợ xây dựng hồ sơ thành lập mới 32 HTX, 20 tổ hợp tác; trong đó đã phối hợp thành lập được 2 HTX mắc ca theo phân công của UBND tỉnh. Đồng thời Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện lồng ghép công tác phát triển thành viên với việc tư vấn hỗ trợ thành lập HTX; kết quả đã kết nạp được 32 HTX, đưa tổng số thành viên Liên minh HTX tỉnh lên 259 HTX thành viên (chiếm 97% trên tổng số HTX).

Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với trách nhiệm được giao là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX; thường xuyên phân công cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động và tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác mới. Trong đó chú trọng ở địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top