Để thuận lợi triển khai các dự án trồng mắc ca

14:09 - Thứ Hai, 04/03/2024 Lượt xem: 3421 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Phần lớn các dự án đều chậm tiến độ do một số khu vực dân cư chưa đồng thuận. Để thuận lợi triển khai dự án, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, tham gia trồng cây mắc ca.

Công nhân Công ty Cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại bản Huổi Xa I (xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông).

Huyện Điện Biên Đông có 4 dự án trồng cây mắc ca do 3 nhà đầu tư thực hiện với tổng quy mô trên 24.200ha. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện trồng được 1.050ha cây mắc ca.

Dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao của Công ty Cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên thực hiện trên địa bàn 4 xã: Keo Lôm, Phình Giàng, Pú Hồng và Phì Nhừ với quy mô 7.000ha. Trong đó: Nhà nước cho thuê đất diện tích dự kiến 4.900ha; nhà đầu tư hợp tác, liên kết với người dân dự kiến 2.100ha.

Ông Vàng A Bông, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm cho biết: Xã Keo Lôm có 19/23 bản thuộc vùng dự án trồng cây mắc ca. Thời gian đầu triển khai dự án, chúng tôi chưa thể xác định rõ sẽ tạo vùng lõi cho nhà đầu tư tại những bản nào. Sau khi tuyên truyền một lượt 19/19 bản vùng dự án, UBND xã xác định để tạo vùng lõi cho nhà đầu tư tại các bản người dân tộc Mông là rất khó khăn vì đa số diện tích bà con đang sản xuất. Đối với các bản người Thái canh tác lúa nước, diện tích nương bỏ hoang lớn nên khả năng người dân đồng thuận chủ trương thực hiện dự án cao hơn. Do đó, xã Keo Lôm tập trung tuyên truyền, vận động 2 bản: Huổi Xa I và Huổi Xa II có người dân tộc Thái sinh sống.

Bản Huổi Xa I có 17 lao động ký hợp đồng thường xuyên cho Công ty Cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên. Trong ảnh: Người dân bản Huổi Xa I chăm sóc vườn lưu cây giống mắc ca của nhà đầu tư đặt tại bản.

Ông Đào Tuấn Dũng, Trưởng ban Phát triển quỹ đất Công ty Cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên cho biết: Bên cạnh các chính sách theo quy định, quá trình thực hiện chiến dịch truyền thông dự án, công ty cam kết sử dụng 100% lao động tại địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, Công ty luôn đồng hành với các bản trong mọi công việc, hoạt động chung của bản. Sau nhiều nỗ lực, người dân 2 bản đã đồng thuận trả đất để doanh nghiệp thực hiện dự án. Năm 2023, Công ty đã trồng mới 200ha cây mắc ca. Đồng thời, ký hợp đồng lao động thường xuyên với 17 lao động (với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng) và sử dụng hàng nghìn lượt lao động thời vụ (với mức lương 180.000 đồng/ngày).

Đến bản Huổi Xa I vào thời điểm này, diện tích nương bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại um tùm đã được thay thế bằng những vườn cây mắc ca xanh tốt.

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Chi bộ bản Huổi Xa I cho biết: 45 hộ trong bản đã thực hiện trả đất để nhà đầu tư thực hiện dự án trồng cây mắc ca. Sau khi bà con trả đất, Công ty Cổ phần Mắc ca Kinh Bắc Điện Biên đã chi trả đầy đủ các chính sách theo quy định; sử dụng lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân của bản. Do đó, 100% hộ dân đều tin tưởng, đồng thuận tham gia thực hiện dự án.

Cán bộ xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) triển khai các “nhóm zalo” trồng cây mắc ca.

Năm 2023, huyện Tuần Giáo đã trồng gần 1.000ha cây mắc ca theo hướng liên kết sản xuất tại 100% xã trên địa bàn. Để thực hiện thành công, huyện Tuần Giáo đã xây dựng kế hoạch, chiến dịch truyền thông đối với từng dự án phù hợp với điều kiện thực tế tại từng xã. Thành lập, phát huy các tổ công nghệ số cộng đồng, kết nối từ huyện đến các bản, nhóm bản để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây.

Toàn huyện đã thành lập 156 nhóm zalo, nội dung hoạt động tập trung vào công tác trồng và chăm sóc mắc ca. Trong đó, 1 nhóm lớn cấp huyện - “Mắc ca Tuần Giáo”, có sự tham gia của Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực nông nghiệp; trưởng, phó, cán bộ chuyên môn một số phòng liên quan; 18 chủ tịch UBND xã, 155 tổ trưởng tổ hợp tác trồng mắc ca trên địa bàn. Sau khi xuống giống, Huyện ủy, UBND huyện Tuần Giáo tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân để giải đáp những vướng mắc trong thực hiện dự án. Phát huy kết quả đạt được, huyện Tuần Giáo phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện trồng mới 2.500ha cây mắc ca theo hướng liên kết sản xuất.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top