Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

06:56 - Chủ Nhật, 10/07/2022 Lượt xem: 6370 In bài viết

ĐBP - Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự.

Công an phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ giải thích cho một nạn nhân thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Ảnh: C.T.V

Thông tin từ cơ quan chức năng, từ tháng 5/2021 đến nay toàn tỉnh phát hiện 5 vụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng giá trị thiệt hại khoảng 205,5 triệu đồng. Điển hình là tháng 4/2022, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Chất (SN 1977, trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, trên địa bàn huyện Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ, đối tượng Chất tự giới thiệu là Thư ký Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên để gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, dịch vụ trên địa bàn cảnh báo những sai phạm của đơn vị, nếu muốn bỏ qua sai phạm thì phải đưa cho đối tượng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt đối tượng yêu cầu không sử dụng hình thức chuyển khoản mà đưa bằng tiền mặt. Với chiêu thức đe dọa này, cán bộ quản lý của một đơn vị thi công công trình trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã gặp và đưa 40 triệu đồng theo yêu cầu cho Chất.

Nói về công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Thượng tá Lù Minh Phương, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (gọi tắt là Chỉ thị số 21), các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó tích cực tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 5/2021 đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 2.370 cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút 155.977 lượt người tham dự; cấp 3.580 tài liệu, phát 2.371 bản tin tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Riêng Công an tỉnh tổ chức 1.056 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thu hút hơn 69.400 lượt người tham gia; thường xuyên cung cấp thông tin, tích cực định hướng dư luận; kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc. Tổ chức cho các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Qua đó góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những phương thức, thủ đoạn như: Thông báo trúng thưởng, trao quà nhân các sự kiện... Nhờ đó, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 55,5% so với trước khi chưa triển khai Chỉ thị số 21. Đặc biệt là không xảy ra vụ việc nào phức tạp hoặc xảy ra tình trạng đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với nhiều bị hại.

Với sự bùng nổ công nghệ thông tin, các đối tượng tội phạm triệt để lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Chính của loại tội phạm này, vì vậy các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để các cơ quan, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Lực lượng công an đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, phòng ngừa, phát hiện sớm các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận nguồn tin, điều tra, xử lý tội phạm.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top