Y tếSức khỏe

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường

08:55 - Thứ Sáu, 28/04/2023 Lượt xem: 3752 In bài viết

ĐBP - Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh mạn tính với lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường, do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Bệnh tiểu đường tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Chị Lường Thị Phương, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) năm nay 49 tuổi, là một trong những bệnh nhân vừa phát hiện mắc bệnh tiểu đường, đang điều trị tại Khoa Nội tổng hợp (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên). Chị Phương chia sẻ: Trước khi đi khám, tôi ăn uống bình thường nhưng lại có biểu hiện sụt cân rất nhanh. Lo lắng mắc bệnh nghiêm trọng nên đến Trung tâm Y tế huyện kiểm tra và xét nghiệm; kết quả cho thấy bị tiểu đường tuýp 2. Ban đầu tôi rất lo lắng vì bệnh phải điều trị cả đời, nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn cách điều trị bệnh, thay đổi thói quen sinh hoạt, có chế độ ăn uống hợp lý dành cho người bị tiểu đường như hạn chế ăn ngọt, đồ nhiều tinh bột, tập thể dục nhẹ nhàng và uống thuốc đều đặn nên tôi cũng thấy yên tâm hơn.

Các biểu hiện thông thường của bệnh tiểu đường như luôn cảm thấy đói và ăn nhiều; ăn uống nhiều nhưng người bệnh lại sụt cân nhanh trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt mờ, tê bì chân tay, vết thương lâu lành, mệt mỏi, tiểu nhiều...

Bác sĩ Ngô Thị Hạnh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Biến chứng của bệnh tiểu đường gồm: Loét bàn chân; gây mù nếu không được điều trị các bệnh võng mạc tiểu đường, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể; biến chứng thần kinh như tê bì, châm chích, bỏng rát hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, đổ mồ hôi nhiều ở vùng mặt và thân, tim đập nhanh khi nghỉ ngơi; nguy cơ tử vong vì bệnh tim gấp 2 đến 4 lần so với người không mắc bệnh... Tiểu đường không thể điều trị dứt điểm; vì vậy, để tránh các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần có chế độ ăn đa dạng, bữa ăn đầy đủ các chất, như chất bột đường, chất xơ, chất béo, chất đạm, chất khoáng. Nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: Rau xanh, hoa quả ít ngọt; bổ sung thịt, cá, sữa với lượng vừa phải. Lượng thức ăn phải tùy theo mức độ hoạt động thể lực và cân nặng của người bệnh. Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, có thể chia nhỏ bữa ăn (tầm 4 - 5 bữa/ngày) để kiểm soát đường máu không tăng cao sau ăn. Đối với những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục giảm cân nhưng giảm từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột. Với người gầy thì nên ăn thêm 1 - 2 bữa phụ để tăng cân, lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường chất đạm, chất béo. Nên tập luyện thể dục từ 30 - 45 phút/ngày; trước khi tập nên ăn nhẹ để không bị hạ đường máu. Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên tránh một số loại bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, nhãn, vải, mít... Hạn chế ăn nhiều muối, chất béo từ mỡ động vật và các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn; hạn chế bia, rượu, thuốc lá vì có thể làm mất kiểm soát đường huyết.

Bệnh tiểu đường là bệnh không lây, có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Vì vậy, để phòng, tránh bệnh mỗi người cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục và nên khám sức khỏe định kỳ, tối thiểu 6 tháng/lần.

Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top