Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Hỏi - đáp chính sách thuế

07:43 - Thứ Tư, 01/03/2023 Lượt xem: 16509 In bài viết

    (Tiếp theo kỳ trước)

“3. Người nộp thuế là cá nhân quy định tại Điểm k, l, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư này có thay đổi thông tin đăng ký thuế của bản thân và người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp) nộp hồ sơ cho cơ quan chi trả thu nhập hoặc Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú (trường hợp cá nhân không làm việc tại cơ quan chi trả thu nhập) như sau:

a) Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với trường hợp nộp qua cơ quan chi trả thu nhập, gồm: Văn bản ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó) và bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc.

Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin thay đổi của cá nhân hoặc người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH- TCT hoặc mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

b) Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, gồm:

- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch Việt Nam”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp cá nhân có 2 mã số thuế (do sử dụng CMND 9 số và CCCD 12 số để đăng ký) thì phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế thu nhập cá nhân được cấp sau và chỉ sử dụng mã số thuế được cấp đầu tiên để thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

Trường hợp cá nhân có thay đổi về thông tin cá nhân là số CMND/CCCD thì thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định của pháp luật. Thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 105/2020/TT-BTC đã trích dẫn nêu trên.

Câu hỏi: Khi bị lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì các trường hợp nào được quyền giải trình?

Trả lời:

Căn cứ khoản 1, Điều 37 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:

“Điều 37. Giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1. Các trường hợp giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

a) Hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử;

b) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, 17, 18; khoản 3 Điều 20; khoản 7 Điều 21; Điều 22 và Điều 28 Nghị định này”.

Căn cứ quy định trên, các trường hợp giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

- Hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử;

- Hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, 17, 18; khoản 3 Điều 20; khoản 7 Điều 21; Điều 22 và Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, gồm:

+ Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;

+ Hành vi trốn thuế;

+ Hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế;

+ Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn;

+ Hành vi đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc đặt in trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn;

+ Hành vi in hóa đơn theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc đặt in trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn;

+ Hành vi cho, bán hóa đơn;

+  Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Câu hỏi: Công ty có khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT làm tăng số tiền thuế GTGT phải nộp. Vậy xác định ngày tính tiền chậm nộp thuế như thế nào và mức tính tiền chậm nộp là bao nhiêu? Có những trường hợp nào không phải chịu tiền chậm nộp?

Trả lời:

Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 59 Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 quy định:

“Điều 59. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế

1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:

b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

5. Không tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.

Số tiền nợ thuế không tính chậm nộp là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của người nộp thuế nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán;

b) Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 của Luật này thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan”.

TTHT (còn nữa)
Bình luận

Tin khác

Back To Top