Chợ phiên - nét đẹp truyền thống của người vùng cao

06:13 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 7267 In bài viết

ĐBP - Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) có vẻ đẹp hoang sơ, thảm thực vật phong phú, núi non hùng vỹ. Đặc biệt, mảnh đất này còn là nơi hội tụ, lưu giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc; trong đó chợ phiên chính là nét chấm phá độc đáo làm nên những đặc trưng văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.

Hàng nông sản thu hút người dân đến chọn mua tại chợ Tênh Phông.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc, đến nay Tuần Giáo vẫn còn lưu giữ 2 cụm chợ phiên được tổ chức đều đặn, là chợ phiên Rạng Đông và Mùn Chung. Riêng chợ phiên Tênh Phông mới đây đã được tổ chức và duy trì vào thứ 7 hàng tuần. Tuy các chợ được hình thành và thời gian tổ chức khác nhau, nhưng đều mang nét nguyên sơ, cổ kính, tấp nập kẻ bán người mua; mỗi phiên chợ là một “bảo tàng sống” về sinh hoạt văn hoá cộng đồng - một nét đẹp vùng cao hiếm có. Cầm trên tay những món hàng nông sản vừa mua từ chợ phiên, ông Mùa A Vàng, bản Ten Hon (xã Tênh Phông) phấn khởi chia sẻ: “Chợ phiên là nét đẹp văn hóa truyền thống, đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa dân tộc Mông. Với người Mông, đi “chơi chợ” mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, phong tục, đặc biệt hơn là hoạt động mua bán, trao đổi thông thương. Chợ phiên của người Mông luôn đặc sắc, nổi bật với những nét rất riêng về ẩm thực, trang phục...”.

Trong cuộc sống hiện đại, nhưng chợ phiên vùng cao vẫn giữ nguyên bản sắc, tạo nên nét riêng, mang âm hưởng núi rừng và những giá trị cổ xưa của người dân miền đá. Đến với chợ phiên Tênh Phông, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, diện lên mình những chiếc áo, chiếc váy được thêu tay tinh xảo của phụ nữ Mông. Những cuộn chỉ nhiều màu sắc được các cô, các chị say mê chọn lựa; nhiều sản vật “cây nhà là vườn” chỉ vùng cao mới có và cả những bát thắng cố nóng hổi, chén rượu ngô thơm nồng… Đặc biệt, ở đây người ta vẫn còn bán nhiều mặt hàng gắn với nghề truyền thống của đồng bào, như: Nén hương, giấy dó, rượu ngô; nông cụ tự rèn (dao, cuốc, thuổng...). Điều này chứng tỏ, dù cuộc sống nhiều thay đổi, thì ở đâu đó trên mảnh đất này, nhiều gia đình vẫn gìn giữ và trân trọng nghề truyền thống cha ông và họ vẫn ý thức, tự hào với những món đồ truyền thống tự tay mình làm ra. Ngoài ra, điều thú vị không chỉ là sắc màu các trang phục, món ăn dân dã mà du khách dạo chợ còn có thể được thưởng thức các chương trình ca nhạc, câu hát giao duyên, biểu diễn trò chơi dân gian (tù lu, đi cà kheo, đẩy gậy, ném pao...), các phong tục tập quán đẹp của bà con dân tộc được phục dựng nguyên gốc.

Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo cho biết: Chợ phiên vùng cao là một bức tranh sinh động, phản ánh sự phát triển kinh tế ở vùng nông thôn Tuần Giáo đang ngày càng đổi mới. Người dân vùng cao đến chợ phiên không chỉ để giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vì thế, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ vùng cao, huyện Tuần Giáo đã và đang triển khai phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua hoạt động tham quan trải nghiệm cho du khách. Đối với các xã cũng cần quan tâm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các chợ phiên, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương.

Phát triển giao thương

Từ tờ mờ sáng, khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sặc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người chở hàng hóa, tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn. Chợ phiên vùng cao không có sự phô trương cầu kỳ, mỗi sản phẩm, sản vật của địa phương mà đồng bào mang đến bày bán là kết tinh trong lao động, sự cần cù, chịu khó của người vùng cao. Chị Và Thị Vang, bản Xá Tự (xã Tênh Phông) vui mừng chia sẻ: “Có chợ phiên người dân vui lắm! Không còn phải vất vả gồng gánh, chở hàng hóa, nông sản xuống tận chợ trung tâm huyện bán nữa! Mình có gì bán nấy, con gà, mớ rau, hoa quả... chủ yếu là những đồ do nhà mình làm ra…”.

Trong ngày đầu tiên phiên chợ được tổ chức ở Tênh Phông, khách hàng khá đông. Ngoài những gian hàng tiêu dùng phổ thông như: Quần áo, giày dép, dầu ăn... điều khiến chợ phiên ở Tênh Phông hấp dẫn nhiều người vùng ngoài tìm đến, đó là những sản vật đặc trưng như: Thảo quả khô, hoa hồi khô, nấm, mật ong, gà, lợn, hoa quả... Tất cả đều do người dân trong vùng tự sản xuất, trồng trọt, khai thác từ rừng. “Đến với chợ phiên, tôi thấy có rất nhiều điểm cuốn hút du khách từ sự thân thiện, mến khách của người vùng cao, những nét đẹp văn hóa tinh túy, rất riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tôi rất cuốn hút bởi không gian văn hóa ẩm thực, những đặc sản do người dân tự làm ra; tôi đã mua cho mình và làm quà tặng người thân thảo quả khô, mật ong...” - chị Nguyễn Thị Minh, du khách Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ người dân trong xã, chợ Tênh Phông còn thu hút tiểu thương và người dân ở một số xã lân cận của huyện Tuần Giáo (Quài Tở, Tỏa Tình, Chiềng Đông...) và các xã lân cận của huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La): É Tòng, Long Hẹ, Co Mạ. Có mặt tại chợ từ sớm tinh mơ, chị Lò Thị Loan, bản Nong Lạnh, xã É Tòng (huyện Thuận Châu) chia sẻ: “Giờ đây, đường sá đi lại thuận tiên, nên việc đưa hàng hóa từ Thuận Châu lên chợ phiên Tênh Phông không tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, các tiểu thương được chính quyền xã chào đón nhiệt tình, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt nên việc trao đổi, mua bán rất thuận lợi; khách hàng khá đông, ưa chuộng nhiều mặt hàng chúng tôi bày bán”.

Được biết, sau khi khai trương, chợ phiên xã Tênh Phông sẽ duy trì định kỳ vào ngày thứ bảy hàng tuần. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tênh Phông cho biết: Việc tổ chức thành công chợ phiên Tênh Phông đã góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, tăng cường quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người cũng như các sản phẩm nông, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương. Cùng với đó, giới thiệu, quảng bá, góp phần gìn giữ và tiếp tục phát triển văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương, tăng cường ý thức tham gia phát triển du lịch của nhân dân. Qua đó góp phần bảo tồn và phát triển, đưa chợ phiên trở thành điểm đến của du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top