Khó phát triển nghề dệt dân tộc Lào tại Điện Biên Đông

07:17 - Thứ Năm, 07/07/2022 Lượt xem: 5392 In bài viết

ĐBP - Dệt vải là một nghề truyền thống, được lưu truyền lâu đời của người dân tộc Lào tại Điện Biên. Các hoa văn được dệt trên vải thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, những mong ước tốt đẹp với cuộc sống. Ngày nay với kinh tế ngày càng phát triển, nghề dệt lụa truyền thống tại xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) đang dần bị mai một, việc dệt chỉ diễn ra nhỏ lẻ, kém phát triển.

Bà Lò Thị Bưởi, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) truyền nghề dệt truyền thống cho cháu gái.

Người Lào tại huyện Điện Biên Đông sinh sống chủ yếu tại Mường Luân, với tập quán trồng lúa nước, đánh bắt cá và dệt vải nên việc tập trung dọc theo lưu vực sông Mã là môi trường sống lý tưởng với người Lào tại đây. Nhắc tới người Lào chúng ta không chỉ ấn tượng với điệu múa Lăm Vông truyền thống thể hiện sự đoàn kết, mong muốn mọi sự thuận lợi mà còn với những trang phục dệt thủ công được giữ gìn từ đời này sang đời khác. Dệt vải không chỉ là một ngành nghề mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Lào. Từ nguyên liệu thô, dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Lào đã trở thành những tấm lụa thổ cẩm với nhiều họa tiết và màu sắc độc đáo. Mỗi loại hoa văn trên váy áo của người Lào gắn liền với một sự tích khác nhau, có ý nghĩa giáo dục, thể hiện các tín ngưỡng, quan niệm và sự mong muốn với cuộc sống hàng ngày. Phổ biến nhất là hoa văn hình rồng cổ đỏ, đôi rắn quấn nhau, hình voi có người cưỡi, con hổ... tất cả được thể hiện rất sống động, sặc sỡ bởi sự khéo léo, tỉ mỉ của những người phụ nữ tại đây.

Dân tộc Lào với truyền thống lâu đời, đặc biệt nghề dệt lụa thổ cẩm được thể hiện trong các trang phục trong ngày lễ, trang phục thường ngày đã góp phần bảo lưu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, làm đa dạng sắc màu văn hóa địa phương. Hiện nay cuộc sống kinh tế ngày càng phát triển, việc lưu trữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Lào Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn khi mà thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, người lớn thì lo làm kinh tế, đa số người dệt là các mẹ, các cô lớn tuổi và chỉ dệt khi có thời gian rảnh. Thời gian dệt một bộ váy áo khá lâu (khoảng 8 tháng), đồng thời đầu ra của sản phẩm dệt thủ công rất ít, chủ yếu phục vụ cho người dân trong bản... Chính những nguyên nhân trên dẫn đến nghề dệt lụa thổ cẩm truyền thống tại đây khá đìu hiu, việc phát triển gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Lò Thị Dung, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân là chủ gian hàng tạp hóa tại chợ Mường Luân cho biết: Trước kia ở bản nhiều người làm dệt, khung dệt đa số nhà nào cũng có, nhưng bây giờ chỉ còn vài người làm vào thời gian rảnh, chủ yếu phục vụ người trong bản, đồng thời có rất nhiều sản phẩm được may công nghiệp với giá thành rẻ hơn so với dệt tay nên sức mua của người dân cũng giảm mạnh. Thông thường một bộ váy áo được may sẵn bán tại chợ có giá từ 500.000 đồng, còn sản xuất thủ công có giá từ 900.000 đồng. Chính vì vậy đầu ra của sản phẩm kém, nhu cầu mua sản phẩm dệt bằng tay ít dẫn đến người biết dệt chuyển sang làm các công việc khác.

Để tìm hiểu thêm về cách dệt thủ công váy áo Lào, chúng tôi tìm đến bà Lò Thị Bưởi, 64 tuổi - một trong những người vẫn gìn giữ nghề dệt thủ công truyền thống của bản. Bà Bưởi chia sẻ: Dệt thổ cẩm truyền thống được lưu truyền rất lâu, các hoa văn trên váy áo của người phụ nữ mang nhiều giá trị đặc trưng trong đời sống văn hóa của dân tộc Lào. Hiện nay trên trang phục có nhiều loại hoa văn khác nhau, phổ biến là hoa văn hình hổ, em gái biến thành chim, đôi rắn quấn nhau... Mỗi loại hoa văn gắn liền với một sự tích khác nhau có ý nghĩa giáo dục cao, thể hiện một phần tín ngưỡng, mong ước cũng như quan niệm về cuộc sống của họ. Trước kia nhiều người làm, mỗi sáng sớm đều nghe tiếng lách tách của bật bông, tiếng kẽo kẹt của khung cửi... nhưng hiện tại cả bản chỉ còn mấy người già làm nghề khi rảnh rỗi và có người đặt mua thì mới dệt bằng khung cửi truyền thống. Hiện nay việc tách bông tạo sợi, se sợi... rất ít người làm, chủ yếu nhập từ nước bạn Lào về sau đó mắc sợi vào khung cửi và dệt vải.

Ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân chia sẻ: Sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội đã tác động trực tiếp đến nhu cầu mua bán sản phẩm dệt truyền thống. Dệt thủ công diễn ra nhỏ lẻ, khó tiêu thụ sản phẩm, việc thành lập đội nhóm cho chị em phụ nữ gìn giữ phát triển cũng như truyền nghề cho thế hệ trẻ rất khó khăn do người trẻ ít hứng thú với nghề. Nhằm bảo tồn cũng như giữ gìn sự đa dạng văn hoá các dân tộc, hàng năm xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu, học hỏi nghề dệt truyền thống. Đồng thời thúc đẩy việc truyền nghề trong mỗi hộ dân theo hình thức gia truyền, mẹ truyền nghề cho con gái.

Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top