Tạp bút

Thân thương quà chợ

08:23 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 5137 In bài viết

ĐBP - Ngày còn nhỏ, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là ngồi ở hiên nhà, trưa mặt trời đứng bóng, hóng mẹ tan chợ trở về. Lần nào ở chợ về mẹ cũng mang theo quà. Khi là túi mía được chẻ sẵn, khi là đồng bánh tẻ, khi là mấy cái bánh ngào mật ngọt ơi là ngọt, khi là một con tò he làm từ bột nếp gồm nhiều con vật khác nhau, lúc chơi chán có thể hơ trên viên than hồng cho nó phồng lên rồi cắn giòn rụm, thơm phưng phức…

 Trừ những ngày cuối năm mẹ chạy chợ thường xuyên, còn lại thông thường mỗi tháng mẹ đi theo chợ phiên vào ngày mười lăm và ngày cuối tháng của làng. Vậy nên niềm háo hức mong chờ quà chợ lại càng nôn nao một cách khó tả. Trước khi đi chợ mẹ chuẩn bị rất chu đáo, những món hàng mà mẹ gánh gồng để bán vào ngày hôm sau, từng mớ rau được làm sạch và bó ngăn nắp hay những mớ củ được phủi sạch sẽ từng lớp bụi bám ở phía ngoài lớp vỏ. Với tôi, chợ phiên gắn bó với ký ức quà chợ và những lần gánh gồng liêu xiêu, chân mẹ tập tễnh trong buổi sương mai quê lạnh giá.

Những đứa trẻ như tôi sinh ra và lớn lên ở một gia đình nghèo, trong một làng toàn người nghèo nên từ nhỏ đã thấu hiểu sự vất vả của mẹ cha, tự thân ngoan hiền mà chẳng đòi hỏi hay làm phiền tới gia đình. Có những lần mẹ chạy chợ về không mang theo quà, dù có thoáng buồn nhưng tôi vẫn không giận dỗi mà càng thương mẹ hơn bởi gánh hàng của mẹ hôm đó bị ế, mẹ chỉ kịp lo bán tháo để cho nhanh hết hàng còn về, quà chợ của những đứa con được mẹ “khất” lần sau.

Tôi làm sao có thể quên được khoảnh khắc mẹ vén lớp vải trên cùng của thúng và lộ ra đồng bánh tẻ còn thơm mùi lá. Bánh tẻ quê tôi được làm gạo tẻ, gói lá chuối, có nhân mộc nhĩ kèm theo một ít thịt lợn. Trong nhân người ta đã gia giảm gia vị vừa ăn nhưng tôi vẫn thích được cắt ra từng miếng bánh ra và chấm với nước mắm. Gạo tẻ thơm thơm quyện nhân thịt xào mộc nhĩ beo béo mằn mặn, lại thêm mùi lá chuối ăn đưa miệng vô cùng. Ăn hết một chiếc bánh to mà cảm giác vẫn đang còn thòm thèm. Còn bánh ngào thì được làm bằng bột nếp, phía trong nhân đỗ xanh ở ngoài là một lớp mật mía bao quanh ăn dẻo quánh, mềm mại, ngọt ngào. Nếu ăn bánh ngào không khéo sẽ bị mật bám dính quanh miệng, mẹ tôi nói, mỗi lần tôi ăn bánh ngào xong trông tôi như một chú hề. Lúc đó tôi lại vội vàng chạy vào soi sương rồi, cười khanh khách, đổ lỗi cho chiếc bánh ngào tội nghiệp.

Thích thú nhất vẫn là những con tò he xanh đỏ bắt mắt. Tôi cứ tấm tắc khen mãi người nghệ nhân nào đã nhào nặn ra những chú tò he thật tài tình. Khi cầm con tò he trên tay tôi sung sướng chạy khắp xóm khoe với lũ bạn. Và càng thích hơn khi chúng nó cũng có tò he như tôi vì tôi có dịp được so kè xem con tò he nào đẹp hơn. Những con tò he như có một phép ma thuật nào đó mà chúng tôi vẫn không thể nào lý giải nổi. Cắm trên chiếc que tre, hình ảnh con gà trống có cái mào đỏ tươi, con lợn có cái má phúng phính, con trâu có chiếc sừng đen, rồi chim chóc đủ loại, hoa lá đầy đủ sắc màu. Dù muốn để dành chơi mãi nhưng sợ để lâu bị hỏng nên cuối cùng chúng cũng được nướng trên than và được lũ trẻ chúng tôi ăn ngấu nghiến.

Năm tháng trôi qua, tôi trở thành người lớn rời làng và lên thành phố học tập. Mẹ tôi giờ cũng đã già, chẳng còn chạy chợ thường xuyên như ngày xưa nữa. Nhưng ký ức của tôi thì vẫn như ngày nào, mỗi lần có dịp ghé lại chợ làng, tâm trí tôi vẫn không tài nào thoát khỏi những món quà chợ, chính từ nơi này, mẹ đã mang “niềm vui” về cho tôi, với bao nhiêu háo hức và mong chờ. Quà chợ nó không đơn thuần chỉ là một món quà mà còn chưa đựng bao nhiêu tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho tôi. Người mẹ nghèo mặc dù vật chất thiếu thốn nhưng lúc nào cũng muốn con cái của mình đủ đầy, bằng bạn bằng bè. Khóe mắt tôi chợt rưng rưng lệ khi lướt qua những khung cảnh cũ quen thuộc, góc chợ làng thân thương. Bỗng nhiên tôi thấy mình thật “giàu có” và thật hạnh phúc khi có một tuổi thơ ngọt ngào với quà chợ thân thương.

Tăng Hoàng Phi
Bình luận

Tin khác

Back To Top