Người Mông Mường Chà vui hội xuân

07:52 - Thứ Tư, 14/02/2024 Lượt xem: 4418 In bài viết

ĐBP - Khi đất trời còn căng tràn sức xuân, đặt chân đến huyện vùng cao Mường Chà, nơi có gần 60% dân số là người dân tộc Mông sinh sống, người dân và du khách được hòa mình trong những trò chơi dân gian. Ngày hội du xuân đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở các bản rẻo cao nơi đây vào dịp đầu năm mới.

Từng dòng người tấp nập đổ về địa điểm tổ chức hội xuân.

Vượt quãng đường gần 80km từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi ngược ngàn lên bản Huổi lèng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà du xuân. Đây là nơi được chọn làm địa điểm diễn ra hội xuân Giáp Thìn 2024 liên xã của huyện Mường Chà, gồm 4 xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Sá Tổng và Hừa Ngài. Ngay từ sáng sớm mùng 4 Tết, ngày đầu tiên diễn ra hội xuân, từng dòng người tấp nập đổ về địa điểm tổ chức hội. Gương mặt ai cũng rạng ngời trong cái nắng đầu xuân của vùng cao. Những chàng trai, cô gái xúng xính trong các bộ váy áo truyền thống rực rỡ sắc màu, họa tiết hoa văn độc đáo càng làm cho không khí của ngày hội thêm tươi vui, náo nhiệt.

Ném pao là trò chơi được đồng bào Mông chơi nhiều nhất trong những ngày du xuân. Ném pao chính là cách người Mông bày tỏ tình cảm với nhau, tùy theo lứa tuổi, họ sẽ tự chọn bạn chơi với mình. Hầu hết những nam thanh nữ tú về đây đều mong tìm được bạn tình qua trò chơi pao.

Thiếu nữ Mông với trang phục rực rỡ bên những mỏm đá tai mèo.

Hội xuân còn có rất nhiều trò chơi dân gian, như: Đánh tù lu, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và cả những tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc. Ở nơi vùng cao này, trò chơi nào cũng thu hút đông người tham gia, không phân biệt nam nữ, già trẻ và được cổ vũ, hò reo của rất nhiều khán giả. Ở góc sân chơi tù lu, rất đông người đứng xem, ai nấy đều thích thú với những con quay đang xoay tít và những màn đánh quay chắc nịch, dứt khoát. Trong số những người chơi tù lu có cụ Sùng A Lầu, 75 tuổi (bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng), dù tóc đã bạc nhưng vẫn hăng say chơi và chơi rất giỏi, đã để lại ấn tượng đặc biệt cho nhiều người xem. Những nhát thả quay, đánh quay của cụ vẫn mạnh, trúng mà nhiều người trẻ phải thán phục, dõi theo từng màn thi đấu.

Ném pao là cách người Mông bày tỏ tình cảm với nhau.

Khi đã thấm mệt, những người đi du xuân ngồi nghỉ ngơi trên các mỏm đá dưới gốc cây đào, cây mận nở hoa, hay bên những vạt đồi hoa cải vàng óng. Ở đó những chàng trai, cô gái Mông lại trò chuyện, tỏ tình với nhau bằng tiếng kèn lá chứa chan tình cảm. Bên ngoài bãi, những chiếc ô che nắng cứ lấp ló, xoay tròn ngại ngùng… Tiếng khèn cùng tiếng cười nói vang rộn cả bản làng.

Thích thú với trò chơi tù lu.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng Ly A Thề, ngày hội xuân đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở Mường Chà vào dịp đầu năm mới. Trước đây, hội xuân được tổ chức riêng ở từng xã, 2 năm trở lại đây các xã có nhiều đồng bào Mông sinh sống của huyện Mường Chà đã phối hợp tổ chức hội xuân tập trung tại một địa điểm là bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng. Cụ thể, năm 2023 hội xuân được tổ chức gồm 3 xã: Huổi Lèng, Hừa Ngài và Sa Lông; năm 2024 thêm xã Sá Tổng và dự kiến hội xuân những năm tới sẽ có thêm sự tham gia của 2 xã: Huổi Mí và Ma Thì Hồ. Chính vì tập trung tại một điểm nên bà con đều đổ về đây tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao, tạo nên bầu không khí sôi nổi hơn, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia và cổ vũ nhiệt tình hơn.

Những cô gái Xạ Phang đến vui hội.

Để phục vụ bà con, hơn 60 chiếc lán tre nhỏ lợp bằng rơm hoặc bạt cũng đã được các tiểu thương dựng lên dọc triền đồi nơi tổ chức hội để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho những người đến đây du xuân. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân vui xuân, như: lắp đặt tăng âm, loa, đài phục vụ việc biểu diễn văn nghệ và thông báo về các trò chơi, nội dung thi đấu được tổ chức tại ngày hội.

Thắng cố là món ăn quen thuộc của người Mông tại hội xuân.

Ngoài những người dân bản địa, nhiều du khách từ trong và ngoài huyện Mường Chà cũng về đây, cùng hòa mình vào ngày hội du xuân. Không khí nhộn nhịp, sự hòa đồng mến khách của người dân khiến những vị khách đã đến đây chẳng muốn ra về. Anh Nguyễn Đức Cường, du khách đến từ TP. Điện Biên Phủ, một người đam mê chụp ảnh cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Mường Chà vào những ngày người dân du xuân. Đến nơi, tôi được hòa mình vào các trò chơi dân gian, chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc đặc sắc và hiểu thêm về những nét văn hóa dân tộc Mông. Tôi đã chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp nhờ chuyến đi này.

Những chàng trai, cô gái Mông e thẹn bên vạt đồi hoa cải vàng óng.

Năm nay, ngày hội du xuân của người Mông ở Mường Chà được diễn ra từ ngày mùng 4 đến ngày 9 tháng Giêng, cao điểm là các ngày từ mùng 4 - 7 tháng Giêng. Hội xuân là hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong dịp đầu năm mới nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân bước vào lao động sản xuất trong năm mới; đồng thời, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top