Xã hội hóa – giải pháp hiệu quả xây dựng nhà văn hóa bản ở Điện Biên Đông (bài 2)

12:51 - Thứ Bảy, 02/03/2024 Lượt xem: 4692 In bài viết

Bài 1: Trong cái khó… “ló sáng kiến”

Bài 2: Toàn dân đoàn kết xây nhà văn hóa bản

ĐBP - Trong điều kiện xuất phát điểm thấp, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song Nhân dân các bản, tổ dân cư đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm triển khai đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Nhờ đó, mọi vướng mắc đều được giải quyết; quỹ đất do các hộ dân tình nguyện hiến; kinh phí, ngày công lao đông do người dân đóng góp. Cứ như vậy, trong 3 năm (2021 – 2023), hơn 100 nhà văn hóa bản, tổ dân cư được thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của nhân dân.

Nhà văn hóa bản Đại được xây dựng từ nguồn lực người dân đóng góp

Chúng tôi đến bản Đại (xã Luân Giói) đúng hôm trong bản có người mất. Người dân tập trung tại nhà văn hóa bản để giúp đỡ, hỗ trợ gia đình lo công việc cho người đã khuất.

Nhà văn hóa bản Đại có diện tích 144m2, nằm trong khuôn viên rộng 1.722m2. Khuôn viên nhà văn hóa bao gồm nhiều hạng mục: Nhà văn hóa, khu vực bếp, sân thể thao, nhà vệ sinh. Bên trong nhà văn hóa được lát nền gạch hoa, có bục sân khấu, lợp tôn xốp chống nóng và bố trí đầy đủ các thiết chế văn hóa như: Tăng âm loa đài, trang trí khánh tiết và 200 bộ bàn, ghế, bát đũa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản.

Trưởng bản Lò Văn Thân kể: “Nhà văn hóa bản được khởi công tháng 3/2022, đến tháng 7/2022 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ khi có nhà văn hóa, mọi hoạt động chung của bản và các sự kiện quan trọng của các hộ dân đều được tổ chức tại nhà văn hóa. Bà con phấn khởi lắm!”

Đầu năm 2022, UBND xã Luân Giói vận động, khuyến khích bản Đại đăng ký xây dựng nhà văn hóa bản bằng nguồn xã hội hóa. Thời điểm đó, bản không có quỹ đất và không có kinh phí. Mặc dù vậy, bản Đại lại sở hữu tinh thần đoàn kết của người dân, quyết tâm cùng nhau xây dựng nhà văn hóa. Nhiều cuộc họp bản được tổ chức, cả bản góp ý xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ thực hiện. Để xây dựng nhà văn hóa bản, đầu tiên phải có quỹ đất. Sau nhiều lần khảo sát, bản thống nhất lựa chọn 1 ô đất tại trung tâm bản song ô đất chỉ rộng khoảng 100m2, quá nhỏ để xây dựng nhà văn hóa. Vị trí này nằm cạnh một số thửa đất của các hộ dân khai hoang làm ruộng nước nhưng đã bỏ hoang nhiều năm nay. Nhiều ý kiến đề xuất các hộ dân hiến đất ruộng để mở rộng quỹ đất xây dựng văn hóa.

Ngoài đóng góp kinh phí, mỗi hộ gia đình còn góp hàng chục ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa.

Ông Lò Văn Thân cho biết: Trong 5 ô đất liền kề có 1 ô đất của gia đình tôi. “Nhận thấy đa số hộ dân đồng tình phương án mở rộng quỹ đất nhà văn hóa, tôi đã tiên phong hiến gần 200m2 đất ruộng khai hoang để làm nhà văn hóa. Sau đó, cả bản cùng nhau tuyên truyền, vận động và nhận được sự đồng thuận của 4 hộ dân còn lại. Như vậy, quỹ đất xây dựng nhà văn hóa được nâng lên hơn 1.700m2”.

Có quỹ đất, bản Đại dự trù kinh phí xây dựng và bắt đầu công cuộc xã hội hóa. Các hộ dân đồng thuận trích 284 triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm (2022 - 2023). Đồng thời, các hộ bảo nhau góp tiền, trung bình mỗi hộ 400.000 đồng, tổng cộng được 48,5 triệu đồng. Khởi công xây dựng nhà văn hóa, nhiệm vụ của các hộ dân được phân công rõ ràng: nhóm hộ phụ trách san nền, nhóm hộ xuống suối lấy cát; người có tay nghề thì phụ trách xây dựng... Cứ thế mỗi người một việc, cả bản cùng nhau lao động trong vòng 4 tháng để hoàn thành nhà văn hóa bản.

Theo thống kê, từ tháng 3 - 7/2022, người dân bản Đại đã đóng góp hơn 1.100 ngày công lao động. Nhà văn hóa được đầu tư bằng 100% nội lực của người dân. Ngày khánh thành nhà văn hóa là ngày vui chung của cả bản, ai cũng phấn khởi. Đến nay, nhà văn hóa bản đã phát huy rất tốt hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con.

Xã hội hóa nhà văn hóa trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư trên địa bàn. Trong ảnh: Nhà văn hóa bản Pá Nậm, xã Chiềng Sơ khánh thành và đưa vào sử dụng.

Được biết, đến hết năm 2021, xã Luân Giói có chỉ có 4/14 bản có nhà văn hóa. Song với tinh thần đoàn kết, chung tay, góp sức của nhân dân, trong 2 năm (2022 - 2023), xã Luân Giói đã đầu tư, xây dựng mới được 8 nhà văn hóa bản và nâng cấp 2 điểm trường thành nhà văn hóa. Đến nay, 14/14 bản đã có nhà văn hóa, qua đó giúp xã Luân Giói hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, việc phát huy nội lực xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, tạo thành làn sóng lan tỏa mạnh mẽ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Không chỉ riêng xã Luân Giói, tại các xã: Phì Nhừ, Chiềng Sơ, Keo Lôm, Tìa Dình, Mường Luân, Xa Dung, Phình Giàng, Na Son... mỗi năm đều hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 - 4 nhà văn hóa bản, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của huyện.

Bài 3: Kết nối đa dạng hóa nguồn lực

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top