Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

09:01 - Thứ Tư, 19/04/2023 Lượt xem: 14083 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có trên 315.300 trẻ em dưới 16 tuổi. Xác định vấn đề phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể. Nhờ đó, số trẻ em bị TNTT giảm dần theo từng năm; nhận thức của người dân và cộng đồng về phòng, chống TNTT trẻ em ngày càng được nâng cao.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tủa Thàng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) theo dõi hướng dẫn cách sơ cứu người bị đuối nước.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, TNTT đã làm tử vong 56 trẻ; năm 2022, số trẻ tử vong do TNTT giảm còn 44 trẻ. Trong đó, số trẻ em bị tử vong do TNTT chủ yếu là do đuối nước. Mặc dù trẻ em bị TNTT trên địa bàn tỉnh giảm, song vẫn còn ở mức cao, môi trường sống của trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNTT, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu các khu vui chơi. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 4 vừa qua, những câu chuyện buồn về TNTT ở trẻ em lại tái hiện. 3 vụ TNTT xảy ra tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên Đông đã cướp đi sinh mạng 4 trẻ nhỏ. Đây là hồi chuông cảnh báo, nhất là khi kỳ nghỉ hè sắp tới gần, thời điểm TNTT có chiều hướng gia tăng khi ít có sự giám sát của gia đình và nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Chủ động phòng, chống TNTT cho trẻ, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, nhân dân về công tác bảo vệ trẻ em. Trong đó, vận động gia đình thường xuyên quan tâm giám sát trẻ em, cảnh báo về nguy cơ tử vong do TNTT, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Chỉ đạo rà soát phát hiện các khu vực có nguy cơ gây đuối nước trong mùa mưa lũ gồm sông, suối, ao hồ, các hố sâu, hệ thống thoát nước tại các công trình giao thông, xây dựng...; kịp thời có biện pháp ngăn ngừa nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt, họp phụ huynh, hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, diễn đàn, hội thi… để tuyên truyền nâng cao kiến thức và giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác của các bậc cha mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ về phòng chống TNTT cho con em mình.

Thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Tỉnh đoàn đã và đang tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh... tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống về phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại, TNTT, tai nạn đuối nước cho trẻ em. Qua đó, các em được trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản giúp chủ động xử lý tình huống nguy hiểm khi tiếp xúc với nước, góp phần giảm thiểu TNTT, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ trong mùa hè.

Vừa qua, tại xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh đã tổ chức tập huấn tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, TNTT cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tủa Thàng. Tại chương trình, các em học sinh được nghe báo cáo viên truyền tải các biện pháp phòng, chống đuối nước, TNTT đảm bảo an toàn cho học sinh; hướng dẫn kĩ thuật bơi, cách cứu người đuối nước đúng cách; cách sơ cứu khi có tai nạn đuối nước xảy ra. Đặc biệt, các em học sinh được trực tiếp đặt câu hỏi, thực hiện các tình huống giả định, biết cách sơ cứu người bị nạn qua sự hướng dẫn tỉ mỉ của các kĩ thuật viên. Nhờ đó, góp phần tích cực phòng chống đuối nước trong mùa hè và mùa mưa bão, đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe cho học sinh; giáo dục ý thức đề cao cảnh giác trước các nguyên nhân và tai nạn có thể xảy ra.

Để thực hiện có hiệu quả phòng, chống TNTT trẻ em, thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về phòng, chống TNTT trẻ em. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước ở các cấp trong thực hiện công tác, phòng TNTT trẻ em; nâng cao nhận thức của người dân nhằm hạn chế mức thấp nhất về TNTT trẻ em. Triển khai nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống TNTT trẻ em đã phát huy hiệu quả... Qua đó, xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top