Bất cập trong phòng chống cháy nổ tại chợ dân sinh

10:32 - Thứ Bảy, 10/04/2021 Lượt xem: 14634 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 chợ kiên cố, bán kiên cố và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, phần lớn chưa bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Những bất cập trong công tác PCCC khiến nguy cơ cháy nổ luôn ở cấp cao và nếu xảy ra cháy chợ thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện nhiệm vụ tại chợ Noong Bua tháng 3/2021.

Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh cho biết: Phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên hạ tầng đã xuống cấp, hệ thống an toàn cháy nổ đã hư hỏng, không được bổ sung nâng cấp, không đảm bảo an toàn cháy nổ. Ðặc biệt, hệ thống điện tại các khu chợ được thiết kế, lắp đặt không đồng bộ; không có thiết bị bảo vệ tổng cho toàn bộ hệ thống; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng còn diễn ra phổ biến… dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, diễn tập cho các tiểu thương về phòng cháy, quy trình chữa cháy, kỹ thuật thoát hiểm… không được tổ chức thường xuyên. Trong khi, các nguồn thu từ chợ không được chính quyền địa phương trích lại để tái đầu tư vào hệ thống PCCC. Những bất cập trên được được cơ quan chức năng chỉ rõ và đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo đến các hộ kinh doanh, ban quản lý chợ và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy nổ tại các khu chợ dân sinh có chuyển biến rất chậm.

Chợ Trung tâm I, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1992. Chợ có 150 ki ốt - nơi bày bán hàng hóa, cũng là nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt của nhiều hộ kinh doanh. Có mặt tại Chợ Trung tâm I, chúng tôi nhận thấy hạ tầng hệ thống PCCC tại đây gần như không có gì: Không có hệ thống báo cháy, không có hệ thống chữa cháy cố định, không hệ thống máy bơm chữa cháy, không hệ thống đèn chỉ dẫn sự cố, không hệ thống chống sét, giao thông không đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động. Trong khu vực chợ, các ki ốt bán hàng được bố trí san sát với nhiều loại hàng hóa dễ cháy như: Vải vóc, quần áo, giấy, gỗ các loại... Trong khi đó, do được đầu tư xây dựng đã lâu, hệ thống thống điện đã xuống cấp, không đảm bảo các yếu tố an toàn điện và phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, từ hệ thống công tơ tổng, các hộ kinh doanh tự ý đầu nối, dẫn nguồn điện đến các ki ốt chưa tuân thủ các quy định và điều kiện an toàn. Do đó, nguy cơ chập, cháy do điện rất cao. Nguy cơ cháy nổ càng gia tăng khi các hộ kinh doanh còn đun nấu, thắp hương và sử dụng nguồn nhiệt tự do trong khu vực ki ốt bày bán và khu tập kết hàng hóa.

Ông Ðỗ Văn Ðức, Phó ban Quản lý chợ Trung tâm I cho biết: Những bất cập, hạn chế trong hạ tầng hệ thống phòng chống cháy nổ tại chợ Trung tâm I đã tồn tại nhiều năm nay, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả của nó thì không thể lường hết được. Ban Quản lý chợ đã nhiều lần kiến nghị nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống phòng chống cháy nổ tại khu vực chợ. Tuy nhiên, đến nay chợ chỉ được đầu tư 2 téc nước và một số bình chữa cháy cơ động.  Nếu xảy ra cháy sẽ rất khó khăn trong công tác chữa cháy, trạng thái “4 tại chỗ” khó được kích hoạt đồng thời.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Tân Thanh cho rằng: Với hệ thống phòng chống cháy nổ hiện tại, Ban quản lý chợ và các hộ kinh doanh chỉ có thể dập được những đám cháy rất nhỏ và được phát hiện sớm. Nếu ngọn lửa đã bùng lên thành đám cháy lớn thì nhiệm vụ dập lửa là “bất khả thi” và phải trông chờ hoàn toàn vào lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp. Từ lâu nay, UBND phường đã nắm được những khó khăn, hạn chế, bất cập trong hệ thống phòng chống cháy nổ tại các chợ dân sinh trên địa bàn và cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND TP. Ðiện Biên Phủ về vấn đề trên. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp, đến nay hạ tầng PCCC vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.

Những năm trước đây, chợ Bản Phủ, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) đã xảy ra một số vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các hộ kinh doanh. Nhưng đến nay, nhiều hộ kinh doanh vẫn thờ ơ, coi công tác PCCC là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Trong không gian chật chội, chất đầy hàng hóa dễ cháy nhưng hộ kinh doanh vẫn giữ thói quen thắp hương vào các ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng. Cùng với đó, hệ thống điện được đầu tư từ những năm 1994, đấu nối chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ quá tải, mất an toàn, dễ xảy ra chập cháy. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn PCCC để làm mái che, mái vẩy vẫn còn rất phổ biến sẽ cản trở các phương tiện chữa cháy khi xảy ra cháy nổ.

Ông Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, Trưởng Ban quản lý chợ Bản Phủ cho biết: Tình trạng một số hộ kinh doanh thờ cúng trong chợ; đường điện bố trí chưa hợp lý và lấn chiếm hành lang làm nơi buôn bán… vẫn diễn ra phổ biến. UBND xã, Ban Quản lý chợ đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhưng hiệu quả chưa cao, ý thức các hộ kinh doanh chuyển biến chậm trong khi đó các chế tài xử phạt lại rất khó thực hiện.

Những nguy cơ về cháy nổ tại các chợ dân sinh tồn tại nhiều năm, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng đã kiến nghị tăng cường các giải pháp PCCC song việc khắc phục lại chưa thực sự được chú trọng. Bên cạnh đó, ý thức về an toàn PCCC của nhiều hộ kinh doanh còn chưa cao, còn tâm lý chủ quan, thờ ơ. Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ tại các khu vực chợ dân sinh, Trung tá Nguyễn Văn Thưởng cho biết thêm: Giải pháp tối ưu nhất là chính quyền các địa phương phải ưu tiên nguồn vốn, tổ chức quy hoạch, đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới các chợ dân sinh. Trong đó, chú trọng hệ thống phòng chống cháy nổ theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện các địa phương. Tuy nhiên với điều kiện tỉnh ta, nguồn lực chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương nên thực hiện đồng bộ các giải pháp là rất khó. Do đó, để hạn chế các vụ cháy nổ tại chợ dân sinh, giải pháp trước mắt là tập trung công tác phòng ngừa là chính. Trong đó: Chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng PCCC cho người kinh doanh bằng cách thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy tại các khu vực chợ; kiện toàn các ban quản lý chợ; lập danh sách các chợ có nguy cơ cháy nổ cao; kiên quyết yêu cầu đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ thực hiện cải tạo, khắc phục các tồn tại về phòng chống cháy nổ theo kiến nghị của cơ quan chức năng.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top