Trao “cần câu” để học viên làm lại cuộc đời

09:19 - Thứ Bảy, 19/02/2022 Lượt xem: 4937 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, bên cạnh việc tổ chức điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe, cai nghiện ma túy, tỉnh ta còn chú trọng đào tạo, truyền nghề gắn với hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người nghiện sau cai. Đây là cơ sở để sau khi trở về với cộng đồng công dân có điều kiện tìm công việc ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; đặc biệt là tránh xa tệ nạn ma túy...

Học viên TTCB-GDLĐXH tỉnh tham gia học nghề chài lưới.

Đến Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội (TTCB-GDLĐXH) tỉnh trong buổi dạy nghề, chúng tôi thấy được không khí sôi nổi, sự quyết tâm của mỗi học viên. Tại đây, học viên được rèn nhiều kỹ năng; với nghề được đào tạo cẩn thận cả lý thuyết và thực hành với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Anh Q.V.T, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) nghiện ma túy khiến kinh tế gia đình, sức khỏe bị kiệt quệ. Được vào điều trị tại Trung tâm từ tháng 6/2020, cùng với sự chăm sóc tận tình và những lời khuyên nhủ, động viên của cán bộ, nhân viên Trung tâm, đến nay sức khỏe anh T. đã có nhiều tiến bộ. Đặc biệt anh còn được Trung tâm cho học nghề. Anh Q.V.T trải lòng: “Tôi cũng như các học viên khác rất cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, các cấp, các ngành của tỉnh đã mở lớp học nghề, trao “cần câu” để các học viên được học tập, làm lại cuộc đời. Có nghề trong tay, sau khi tái hòa nhập cộng đồng tôi sẽ nỗ lực lao động sản xuất, tìm kiếm việc làm phù hợp, cố gắng kiếm tiền phụ giúp gia đình, sống có ích cho xã hội; quyết tâm tránh xa ma túy”.

Tuy nhiên, hiện nay tại các huyện, thị xã, thành phố, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy gặp không ít khó khăn, bất cập. Tại huyện Tuần Giáo, tính đến 30/8/2021 tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn 1.186 người. Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện cho biết: Những năm qua, Phòng đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên và UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện để các học viên sau cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, được học nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng của từng người. Tuy nhiên số người sau cai nghiện có nhu cầu học nghề trên địa bàn còn thấp (năm 2021, không có trường hợp người sau cai nghiện tham gia học nghề). Cùng với đó, công tác hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy cũng còn gặp nhiều bất cập, do điều kiện kinh tế xã hội của huyện còn khó khăn, người lao động ngại đi làm ăn xa nên hầu hết người nghiện ma túy sau khi được cai đều trở về làm công việc cũ cùng với gia đình.

 Có thể nói, công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy trong thời gian qua đã được tỉnh, các cấp, ngành quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, việc điều trị, tổ chức cai nghiện ma túy gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai đã góp phần giảm tình trạng tái nghiện, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng (tính đến tháng 5/2021 toàn tỉnh có gần 9.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc TTCB-GDLĐXH tỉnh cho biết: Hiện nay Trung tâm có 375 học viên cai nghiện ma túy. Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, ngay từ công tác tiếp nhận, phân loại đối tượng được Trung tâm thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình; thiết lập hồ sơ, bệnh án, xây dựng phác đồ điều trị thích hợp cho từng học viên. Cùng với đó, sau thời gian điều trị cắt cơn giải độc học viên tham gia các hoạt động trị liệu để rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống, hỗ trợ truyền nghề...

Trước khi mở lớp truyền nghề, Trung tâm đều tổ chức khảo sát, lấy ý kiến học viên muốn theo học ngành nghề nào. Các khóa học đều được đào tạo bởi những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao. Hiện 30% học viên tại Trung tâm được hỗ trợ truyền nghề: Nghề mộc, ươm cây lâm nghiệp, hàn xì cơ khí, kỹ thuật trồng trọt, đan chài, làm vàng mã... Qua các khóa đào tạo, truyền nghề hầu hết các học viên có thể nắm rõ được phần lý thuyết và tự tạo ra được nhiều sản phẩm sử dụng. Điều quan trọng là học viên có thể nhận thức rõ hơn về định hướng nghề nghiệp để có thể nuôi dưỡng ước mơ còn dang dở và có quyết tâm từ bỏ ma túy, làm người lao động có ích cho xã hội.

Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, hiện Trung tâm cũng đang tăng cường xây dựng kế hoạch tư vấn, giáo dục học viên để giúp họ sớm làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện 100% học viên được học tập, hướng dẫn thực hiện nội quy, quy định của Trung tâm, Luật Phòng chống ma túy; chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, tư vấn một số kỹ năng phòng chống tái nghiện, kỹ năng đối phó với cơn thèm nhớ, làm chủ cảm xúc (kiềm chế, kiểm soát); kỹ năng từ chối; kỹ năng tìm kiếm việc làm, quản lý thời gian; các dịch vụ hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động, thu dung bệnh nhân đến điểm uống Methadone; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học viên rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống.

 Việc dạy nghề gắn với hoạt động lao động trị liệu đã và đang hỗ trợ các học viên đang cai nghiện và người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất cho học viên có niềm tin vững chắc, nghị lực bỏ qua mọi mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống và phòng chống tái nghiện hiệu quả.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top