Xóa tư tưởng “thích” nghèo

08:19 - Thứ Tư, 23/02/2022 Lượt xem: 5613 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều thay đổi trong thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn, trong đó điểm nhấn là giảm “cho không”, tăng hỗ trợ có điều kiện. Thay đổi hình thức hỗ trợ đã tạo bước chuyển trong việc giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời khuyến khích người nghèo vươn lên trong cuộc sống để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Người dân xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh tư liệu

Hỗ trợ có điều kiện

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã đổi mới hình thức từ hỗ trợ thẳng sang hỗ trợ có điều kiện. Tức là các hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng phải cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện kèm theo thì mới được hỗ trợ con giống. Với định mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, các hộ nghèo tự tìm và mua con giống. Nếu con giống có trị giá cao hơn số tiền hỗ trợ thì các hộ đối ứng thêm. Sau thời gian 3 năm, các hộ nghèo hoàn trả lại số tiền 20 triệu đồng cho ủy ban MTTQ cấp huyện để triển khai luân chuyển hỗ trợ các lượt hộ nghèo tiếp theo.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tủa Chùa cho biết: “Do phải hoàn lại vốn nên các hộ được hỗ trợ đều tập trung chăm sóc con giống để chúng sinh sản, tạo ra thu nhập, lợi nhuận và tích góp đủ tiền hoàn lại vốn cho cơ quan hỗ trợ. Ở giai đoạn I (2018), 5/5 hộ nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ đều chăm sóc con giống tốt, đã nhân đàn và hoàn trả số tiền ban đầu. Nhờ đó, tháng 8/2021, huyện Tủa Chùa đã tổ chức bàn giao 5 con trâu, bò giống cho 5 hộ nghèo tại xã Xá Nhè thuộc vốn hỗ trợ của Quỹ “Vì người nghèo”. Hình thức hỗ trợ này có bản chất giống như hình thức cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, chỉ khác là không tính lãi suất, góp phần hạn chế tư tưởng trông chờ trong một bộ phận người dân.

Gia đình anh Sùng A Vừ, thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè là 1 trong 5 hộ nghèo được hỗ trợ trâu, bò giống từ nguồn vốn của Quỹ “Vì người nghèo” giai đoạn I. Sau 3 năm chăm sóc, bò giống đã đẻ 1 con bê. Anh Sùng A Vừ cho biết: Sau khi được nhận bò, gia đình tôi đã cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng thật tốt để con giống phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, tạo nguồn thu nhập phát triển kinh tế gia đình. 3 năm qua, tôi phải nỗ lực lao động, sản xuất và tích lũy để hoàn trả tiền hỗ trợ đúng hạn. Thời gian tới, tôi tiếp tục chăm sóc tốt hơn nữa để đàn bò sinh sản nhiều hơn, từ đó giúp tăng thu nhập, từng bước vươn lên.

Trước năm 2015, các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo thiên về “cho không”. Mặc dù các chính sách đều mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn, song hình thức hỗ trợ thẳng đã dẫn tới tình trạng một số hộ dân, người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “thích” nghèo để tiếp tục được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Chính vì vậy, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã có nhiều thay đổi trong hình thức hỗ trợ người nghèo, đó là: Hạn chế cho không và tăng cường hỗ trợ có điều kiện để người nghèo có ý thức, trách nhiệm hơn, nỗ lực, phấn đấu lao động sản xuất, tạo ra thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Nhờ đổi mới và thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều toàn tỉnh giảm từ 44,82% (năm 2016) xuống còn 34,9% (năm 2021).

Nhiều hộ tự nguyện xin thoát nghèo

Tại bản Pu Lau - một bản nghèo thuộc xã Mường Nhà, xã vùng cao khó khăn của huyện Điện Biên, song vừa qua 2 hộ: Vàng A Già và Vàng A Cấu đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã. Việc làm của 2 hộ trên đã phần nào thay đổi suy nghĩ, tư duy về ý thức vươn lên thoát nghèo của nhiều người trên địa bàn. Ông Vàng A Già cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ những chính sách của Nhà nước và nỗ lực, cố gắng của bản thân, gia đình tôi đã thoát hộ nghèo chuyển sang hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trong địa bàn còn nhiều hộ khó khăn, cần sự giúp đỡ hơn nên vừa qua tôi đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Mặc dù, trước mắt cuộc sống của gia đình tôi còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ chăm chỉ lao động sản xuất, chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Chu Quốc Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Những lá đơn xin thoát nghèo là tín hiệu mừng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đồng thời, là minh chứng cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân, tư tưởng trông chờ, ỷ lại từng bước được xóa bỏ. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện Điện Biên sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là công tác nêu gương các điển hình trong công tác giảm nghèo để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động các giải pháp tổng hợp, người nghèo đã từng bước có sự thay đổi về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Minh chứng rõ ràng nhất là ngày càng có nhiều hộ nghèo viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có 81 hộ nghèo viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, huyện Nậm Pồ có 40 hộ; TP. Điện Biên Phủ 17 hộ; huyện Điện Biên Đông 11 hộ; huyện Điện Biên 10 hộ và Mường Nhé 3 hộ. Việc các hộ nghèo mạnh dạn viết đơn xin thoát nghèo đã lan tỏa thông điệp tích cực để các hộ nghèo vươn lên, nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo bền vững.

Bảo Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top