Kết hợp y học cổ truyền và hiện đại trong điều trị phục hồi chức năng

07:50 - Thứ Hai, 03/01/2022 Lượt xem: 6385 In bài viết

ĐBP - Ngoài các phương pháp điều trị hiện đại, y học cổ truyền cũng đang nắm giữ vai trò quan trọng, là phương pháp chữa bệnh của dân tộc có nhiều năm hình thành và phát triển, giải quyết được nhiều bệnh nan y. Trong thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cũng đã áp dụng kết hợp các phương pháp cổ truyền và hiện đại vào điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh mang lại hiệu quả cao.

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thăm, khám cho bệnh nhân.

Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hiện có nhiều bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính, phục hồi sau tai biến, xương khớp… bằng sự kết hợp các kỹ thuật như: Điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt bằng tay, và sử dụng một số máy móc kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ điều trị nâng cao chất lượng. Đầu tháng 12/2021, bệnh nhân Lò Văn Ngh., xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo bị tai nạn lao động dẫn tới chấn thương sọ não. Sau khi tiến hành phẫu thuật loại bỏ tụ máu não, từ ngày 17/12, bệnh nhân được chuyển vào khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để tiếp tục điều trị. Khi mới nhập viện, bệnh nhân không nói được, nằm bất động, phải ăn qua xông, thông tiểu… rất khó khăn, vất vả cho người nhà chăm sóc. Sau thời gian điều trị bằng các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền, như: Châm cứu, chiếu đèn, điện xung, kết hợp xoa bóp, tập vận động… đến thời điểm hiện tại bệnh nhân phục hồi rất tốt, có thể nói rõ, tay chân bên trái bước đầu có thể cử động được.

Còn với bệnh nhân Nguyễn Thị Kh., thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà từng bị ngã trật khớp gối, đứt dây chằng chéo chân trái phải phẫu thuật từ tháng 11/2021. Đến giữa tháng 12/2021, bệnh nhân chuyển vào Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền. Được các thầy thuốc chăm sóc, điều trị tích cực nên bệnh tình của bệnh nhân Kh. tiến triển tốt, có thể đi lại được bằng nạng, chân co duỗi được khoảng 70 độ… Bệnh nhân Kh. cho biết: “Với bệnh tình của tôi thì việc phục hồi chức năng để đi lại bình thường là rất quan trọng. Chính vì vậy, tôi mới chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền để điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Vào đây điều trị, hàng ngày, các bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình, cho châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu, tập vận động… nên đến giờ này chân tôi đã tốt hơn nhiều. Đây đúng là phương pháp chữa bệnh không cần dùng đến thuốc”.

Bác sĩ Lường Văn Tiến, Trưởng khoa Phục hồi chức năng cho biết: Thời gian qua, bệnh viện đã kết hợp hai nền y học cổ truyền và hiện đại để ứng dụng từng bước vào việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại địa phương, nhất là trong điều trị phục hồi chức năng. Hiện nay cũng có rất nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề như di chứng sau tai biến mạch máu não, xương khớp, sau mổ đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm, cột sống lưng, cột sống cổ, bại não ở trẻ nhỏ… cần điều trị. Với các bệnh nhân này việc điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Như với bệnh tai biến mạch máu não để lại di chứng rất nặng nề như: Suy giảm nhận thức, thay đổi hành vi, rối loạn ngôn ngữ, đại tiểu tiện không tự chủ, liệt vận động… làm ảnh hưởng đến cuộc sống, làm cho bệnh nhân không thể trở lại với công việc trước đó của mình. Trong khi bệnh lại dễ xảy ra với những người lớn tuổi, nhất là vào mùa đông. Chỉ trong 1 tuần của tháng 12/2021, khoa đã đón tiếp và điều trị 6 bệnh nhân tai biến mạch máu não. Với những bệnh nhân tai biến mạch máu não thường sử dụng phương pháp y học cổ truyền, kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Ngoài ra, sau thời gian điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hành phục hồi chức năng tại cộng đồng. Theo đó, tùy thuộc vào từng loại bệnh mà có cách luyện tập khác nhau, như: Tai biến mạch máu não thì tập luyện dáng đi, tập nói; đau lưng tập cúi, ngửa; xương khớp tập thể dục, tự xoa bóp các khớp; teo cơ, cứng khớp ở trẻ bại não tập dáng đi, tập phát âm…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top