Khó quản lý, kiểm soát thực phẩm chức năng

07:06 - Chủ Nhật, 11/12/2022 Lượt xem: 7542 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm chức năng (TPCN) bảo vệ sức khỏe, tăng sức đề kháng ngày càng tăng. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tăng cường quảng bá và kinh doanh nhóm sản phẩm này. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm chức năng còn nhiều bất cập trong việc quản lý, kiểm soát.

Đội QLTT số 1 phối hợp với các đơn vị liên ngành kiểm tra các mặt hàng dược phẩm, TPCN tại quầy thuốc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, TPCN bảo vệ sức khỏe có nhiều sản phẩm, mẫu mã khác nhau, không chỉ được bán ở các nhà thuốc, hệ thống cửa hàng, siêu thị mà còn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Nắm được tâm lý của phụ nữ về làm đẹp, các mặt hàng TPCN như: Collagen, sữa ong chúa, vitamin các loại, trà giảm cân... là dòng sản phẩm tiêu thụ nhiều nhất ở các cửa hàng, nhà thuốc và trên các trang mạng xã hội.

Chị Trần Thanh Tâm, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Với mong muốn lấy lại vóc dáng sau sinh, tôi lựa chọn loại trà giảm cân được quảng cáo trên facebook với hàng nghìn người sử dụng hiệu quả. Sau khi sử dụng 4 tuần, tôi giảm được 3kg nhưng có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ. Tôi liên hệ với người bán thì được khuyên tiếp tục sử dụng vì đó là những phản ứng, biểu hiện bình thường. Sau hơn 2 tháng sử dụng, mặc dù giảm được 5kg nhưng cơ thể tôi rơi vào trạng thái suy nhược, rối loạn.

Trường hợp của chị Tâm không phải là duy nhất khi sử dụng và lạm dụng TPCN, sản phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc. Trước đây có thời điểm khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng có nhu cầu cao về sử dụng những nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều nhóm sản phẩm được cho là phòng, ngừa Covid-19 như: Collagen, vitamin, tinh dầu tỏi, viên tổng hợp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, mật ong lên men, mật ong nghệ...

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Điện Biên đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, đầu cơ, găm hàng... Mặc dù đơn vị không ban hành kế hoạch chuyên đề riêng về kiểm soát nhóm sản phẩm TPCN song đều lồng ghép việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong mỗi đợt kiểm tra. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các hành vi quảng cáo trên internet. Một số thương nhân kinh doanh qua mạng, không được kiểm chứng, không biết chính xác cơ sở nên công tác quản lý khó khăn. Năm 2022, Cục QLTT Điện Biên đã kiểm tra 1.380 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 515 vụ (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó 41 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không lưu mẫu), 4 vụ hàng giả nhãn hiệu. Ngoài ra, chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Công an tỉnh, UBND cấp huyện kiểm tra 40 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 38 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và vi phạm khác, nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 triệu đồng.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhiều nhóm TPCN bảo vệ sức khỏe không có công dụng chữa bệnh, chỉ có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay trên thị trường có khoảng 3.000 sản phẩm TPCN có công dụng bảo vệ sức khỏe. Các ngành chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh; tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân chỉ mua TPCN khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng... Tuy nhiên do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực này khá cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe nên thực tế thị trường còn tồn tại nhiều loại TPCN không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa được kiểm định về chất lượng. Người tiêu dùng khi sử dụng cần phân biệt rõ giữa thực phẩm và dược phẩm, nên mua các sản phẩm này ở địa chỉ uy tín, không mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc. Đồng thời cần cảnh giác trước những thông tin được quảng cáo trên trang mạng xã hội; nên có kiểm chứng và cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học trước khi quyết định mua, sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, tránh lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top