Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

08:29 - Thứ Hai, 26/12/2022 Lượt xem: 4426 In bài viết

ĐBP - Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang đến sự đảm bảo về sức khỏe sinh sản (SKSS) mà còn mang đến lợi ích về cả thể chất lẫn tinh thần cho các cặp vợ chồng trong tương lai. Việc đẩy mạnh tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm giúp các bạn trẻ hiểu hơn về tình yêu, SKSS, trang bị những kiến thức trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, gia đình. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế TX. Mường Lay) tư vấn, cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho đoàn viên thanh niên tại Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc.

Chỉ còn nửa tháng nữa, chị Thu Loan, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) sẽ kết hôn. Thời gian, công việc chuẩn bị cho hôn nhân khá bận rộn, nhưng chị vẫn sắp xếp đến trạm y tế phường nghe tư vấn về kiến thức SKSS, sức khỏe tiền hôn nhân. Chị Thu Loan chia sẻ: Lúc đầu tôi còn e ngại, nhưng được tư vấn y tế đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức cần thiết chuẩn bị cho tương lai. Tôi thấy, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết.

Thực tế cho thấy, đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cũng như khám sức khỏe tiền hôn nhân. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm chia sẻ, cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS, KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Luật Hôn nhân và Gia đình... giúp các bạn trẻ sống lành mạnh, an toàn, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững.

Triển khai công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục DS-KHHGĐ đã đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; cung cấp thông tin về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống bệnh. Triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, các địa phương cũng tập trung phối hợp với trạm y tế các xã, phường khám sức khỏe miễn phí trước khi kết hôn cho các cặp đôi, đồng thời giới thiệu một số dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Cán bộ dân số ở các xã, phường thực hiện tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng kết hôn khi có nhu cầu khám sức khỏe tiền hôn nhân và thực hiện tư vấn trực tiếp tại nhà với các đối tượng thanh niên, vị thành niên. Cùng với đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt đã giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về những lợi ích từ việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, nhiều bạn chủ động tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi kết hôn.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2022, các huyện, thị, thành phố đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại 23 trường THPT, 121 trường THCS và 9 trường dân tộc nội trú; với tổng số hơn 30.600 lượt người nghe; truyền thông qua hệ thống loa phát thanh tại xã về kỹ năng sống, chăm sóc SKSS cho vị thành niên/thanh niên với trên 180 lần...

Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ cho biết: Việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm, kiểm tra và phát hiện được những bệnh lý do di truyền, tầm soát và phát hiện bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số; trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%. Để công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân phát huy hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của ngành dân số, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí triển khai các hoạt động. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS, KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số theo mục tiêu đã đề ra.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top