Ðể cánh đồng lớn thực sự “lớn”

00:22 - Thứ Sáu, 28/01/2022 Lượt xem: 2826 In bài viết

ĐBP - Ngày 7/8/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 2203/KH-UBND về triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2026. Đến nay, mô hình cánh đồng lớn đã mang lại những kết quả tích cực.

Dồn diền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn giúp nông dân thuận tiện áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ảnh: Nông dân phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên có diện tích 335ha trên địa bàn một số xã của huyện Điện Biên, như: Thanh Xương, Noong Luống, Thanh An, Thanh Chăn, Sam Mứn... Mô hình đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa. Xây dựng cánh đồng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đồng nhất quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha; năng suất lúa đạt 68,05tạ/ha. Thu nhập của nông dân cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 - 10 triệu đồng/ha; bước đầu tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng cao gắn với liên kết và tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, mô hình vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để thật sự “lớn” như kỳ vọng. Đến nay mô hình cánh đồng mẫu vẫn chưa đạt được mục tiêu đầu tiên là xây dựng những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung (kế hoạch đề ra đến năm 2021 diện tích đạt khoảng 568ha). Mục tiêu lớn hơn, xa hơn là thu hút được nhiều doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu thì vẫn chưa đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó xây dựng cánh đồng lớn mới chủ yếu dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí, cơ giới hóa, sản xuất cùng một loại giống.

Để việc xây dựng cánh đồng lớn thực sự “lớn” (cả về diện tích và chất lượng), trước hết các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu để cán bộ, nông dân thực sự hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng cánh đồng lớn. Mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia; lựa chọn doanh nghiệp có tâm, có tầm (vốn, nhân lực, trình độ quản lý...) để giao vai trò “cầm trịch”. Đặc biệt, phải có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả của “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng cần chặt chẽ hơn, bảo đảm hài hòa được lợi ích của các bên. Ngành chức năng phối hợp chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức đại diện nông dân trong việc tổ chức, thực hiện liên kết; xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top