Đất cằn nở hoa

00:59 - Thứ Sáu, 28/01/2022 Lượt xem: 4441 In bài viết

ĐBP - Từ những vùng đất khô cằn, sỏi đá, sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, đến nay diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện “cửa ngõ” Tuần Giáo đã đạt hơn 626ha. Lợi thế từ cây ăn quả đã và đang giúp bà con nơi đây mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo phối hợp với Công ty Cổ phần Trung ương kiểm tra chất lượng xoài Đài Loan. Ảnh tư liệu

Phủ xanh vùng đất khô cằn

Bản Pha Nàng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhiều hộ trong bản đã cải tạo vườn đồi hoang hóa, bạc màu sang trồng cây ăn quả. Dẫn chúng tôi “mục sở thị” vườn xoài Đài Loan 3 năm tuổi, anh Cà Văn Dũng phấn khởi chia sẻ: Nhận thấy diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả, năm 2018 tôi đã cải tạo đất đồi trồng hơn 1,2ha xoài Đài Loan. Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên với sản lượng hơn 1 tấn. Dù cây còn bé, thấp nhưng sai trĩu quả. Giá thu mua loại 1 là 7.000 đồng/kg; loại 2 là 5.000 đồng/kg, đã góp phần cải thiện nguồn thu nhập gia đình. Được biết, diện tích trồng xoài Đài Loan là dự án nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Tuần Giáo triển khai thực hiện tại 18 xã, bắt đầu trồng từ năm 2017 với tổng diện tích trên 250ha.

Xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Tuần Giáo ban hành chủ trương trồng cây ăn quả tại một số xã có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp như: Pú Nhung, Rạng Đông, Quài Nưa, Quài Cang và Quài Tở. Từ đó hình thành vùng cây ăn quả tập trung, hàng hóa, từng bước thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế người dân.

Tại xã vùng cao Pú Nhung, cây ăn quả được người dân trồng từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, tự phát, phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính. Ông Vừ A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: So với nhiều loại cây trồng truyền thống, cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế những năm gần đây cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, cán bộ khuyến nông xã chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, như: Cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả; sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP; xen canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác... Giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã đã trồng hơn 44,8ha cây ăn quả gồm: cam, bưởi da xanh, xoài Đài Loan…; tập trung tại các bản: Đề Chia A, B; Phiêng Pi, Xá Tự, Chua Lú. Trong năm 2021 thực hiện theo dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả xoài GL4, trồng tại bản Đề Chia B với diện tích 8,42ha; Khó Bua 21,34ha.

Phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung

Thuộc quy hoạch phát triển cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, từ năm 2018 đến nay, huyện Tuần Giáo từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chú trọng phát triển cây ăn quả. Đặc biệt, để mở rộng diện tích, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang vào cuộc quyết liệt, chú trọng khâu tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân cải tạo đất vườn, đất đồi, thay thế các loại cây trồng truyền thống, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Đến nay, với định hướng và những chính sách hỗ trợ, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Tuần Giáo chuyển từ phân tán nhỏ lẻ, trồng tự phát sang trồng tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa (hiện toàn huyện có hơn 626ha cây ăn quả; trong đó gần 436,4ha trồng theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm).

Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên khoảng 1.000ha. Đặc biệt, phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Hỗ trợ phát triển cây ăn quả theo chuỗi giá trị (xoài Đài Loan, lê, mít Thái, nhãn chín muộn…) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, đưa vào trồng thử nghiệm, lựa chọn các loại giống cây ăn quả mới phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, giống rải vụ, giống để cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến quả. Khuyến khích các xã hướng tới thành lập mới các hợp tác xã, Nội dung tổ hợp tác, trang trại, gắn vùng sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất... Từng bước thu hút, mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản chế biến và thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mỗi xã một sản phẩm.  

Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển tập trung theo hướng hàng hóa là tiêu chí quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Tuần Giáo. Tin tưởng rằng, với những tín hiệu khả quan và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, nhiều vùng đất khô cằn, sỏi đá sẽ hình thành vùng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top