Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

06:16 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 3904 In bài viết

ĐBP - Với hơn 10ha mặt nước, là tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản, thời gian qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã mở ra cơ hội mang lại thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa).

Người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà.

Ông Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Phát huy tiềm năng, thời gian qua, chính quyền xã có nhiều cơ chế khuyến khích người dân phát triển nuôi thả thủy sản; tạo điều kiện cho cho cá nhân, hợp tác xã vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi cá. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh, từ năm 2018 đến nay Tủa Thàng là một trong 3 xã được huyện hỗ trợ dự án nuôi cá thương phẩm trên lòng hồ thủy điện theo hướng liên kết sản xuất.

Những lồng cá có tổng diện tích 100m2 của gia đình anh Lò Văn Nhâm, thôn Huổi Trẳng là thành quả từ việc được hỗ trợ để triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Anh Nhâm chia sẻ: Mặt nước rộng, môi trường nước sạch và giàu dinh dưỡng là điều kiện tốt để phát triển nuôi cá lồng cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, gia đình tôi gặp khó khăn về vốn. Năm 2018 gia đình tôi và một số hộ dân trong thôn được UBND huyện tạo điều kiện hỗ trợ chi phí làm lồng, hỗ trợ con giống và thức ăn để triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Sản phẩm cá thương phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá thị trường. Dự án kết thúc, các hộ trong thôn tiếp tục nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện nay, gia đình tôi chủ yếu nuôi các loại cá rô phi và cá trắm.

Thực tiễn cho thấy, so với cách nuôi cá truyền thống (nuôi trong ao) thì nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch... Năng suất, hiệu quả kinh tế từ cá nuôi lồng cao hơn rất nhiều. Vì vậy tại xã Tủa Thàng nhiều hộ gia đình đã đầu tư vốn để nuôi cá lồng trên sông. Đến nay, toàn xã có hơn 40 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ với gần 150 lồng cá. Toàn bộ lồng cá được người dân nuôi tập trung tại một vùng lõm, 3 mặt giáp rừng. Mùa nước rút thì di chuyển lồng cá theo dòng nước. Mùa nước nổi, người dân chọn những hẻm núi làm điểm đặt lồng cá vì tụ nhiều thức ăn tự nhiên.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà tại xã Tủa Thàng đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển hơn nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.

“Thời gian tới, để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ nguồn lợi thủy sản, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước lòng hồ; đồng thời kêu gọi các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, chú trọng sản xuất con giống tốt, đưa giống mới, giống đặc sản giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi, chế biến thức ăn giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất để tăng giá trị, nâng cao hiệu quả.” - ông Lâm cho biết.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top