Khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

05:36 - Thứ Hai, 30/05/2022 Lượt xem: 4837 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu điều tra đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Điện Biên có khoảng 20 loại khoáng sản, gồm các loại khoáng sản rắn như: Khoáng sản nhiên liệu (than đá); kim loại (sắt, chì, kẽm, đồng, vàng, nhôm và antimon); khoáng chất công nghiệp (alit, barit, kaolin, pyrit, quarzit, talc) và một số nguồn nước nóng, nước khoáng. Trong đó có tiềm năng rất lớn đối với khoáng sản vật liệu xây dựng: đá ốp lát, đá vôi trắng, đá vôi, sét xi măng, sét gạch ngói, cát cuội sỏi và đá xây dựng thông thường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác còn thời hạn cho 20 doanh nghiệp với 27 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, 19 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 4 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 1 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 điểm mỏ khai thác chì kẽm; 2 điểm mỏ khai thác than.

Công nhân Doanh nghiệp Tư nhân Đại Dương khai thác đá tại mỏ đá Minh Thắng 2, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo).

Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để UBND tỉnh thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tiến hành đánh giá tác động môi trường và các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản và hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND cấp huyện trong công tác quản lý đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Nhất là công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác và bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện 2 cuộc kiểm tra về hoạt động khai thác khoáng sản, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị khai thác khoáng sản không chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác. Cụ thể, đã xử phạt 10 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Huổi Đích (xã Na Sang, huyện Mường Chà) và xử phạt 10 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Tây Bắc khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Tây Trang VII (xã Na Ư, huyện Điện Biên). Tại các điểm mỏ, cả 2 công ty trên đều không lập hồ sơ quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Đối với các công ty, doanh nghiệp, chủ dự án được cấp phép khai thác khoáng sản đã cơ bản thực hiện các biện pháp, kế hoạch cải tạo phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt. Khi kết thúc khai thác, các chủ dự án thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ; nội dung cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn đóng cửa mỏ. Trong giai đoạn 2010 - 2020, UBND tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 23 báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép cơ bản đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với  tổng số tiền ký quỹ được phê duyệt là 15,225 tỷ đồng; số tiền ký quỹ các tổ chức, cá nhân đã nộp là 2,937 tỷ đồng.

Mỏ đá Minh Thắng 2, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) do Doanh nghiệp Tư nhân Đại Dương quản lý, khai thác với sản lượng ước đạt hơn 30.000m3/năm. Xác định hoạt động khai thác đá sẽ có những tác động đến môi trường, doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Xuân Thơ, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Đại Dương cho biết: Công ty đã đầu tư dây chuyền, công nghệ khai thác, chế biến đá thành phẩm đảm bảo giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường trong quá trình hoạt động. Hiện nay, Công ty đã xây dựng hệ thống thu gom, lắng nước thải; lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn phun nước ngay tại các khu vực sản xuất đá. Sau giờ nghỉ, tổ công nhân xử lý môi trường tiếp tục phun nước để vệ sinh máy móc, thiết bị, vệ sinh bãi chứa đá xay, giảm thiểu tình trạng gió làm bụi đá bay, ảnh hưởng môi trường.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý ngay từ khâu đánh giá tác động môi trường; thực hiện nghiêm những quy định, cơ chế chính sách của tỉnh về quản lý, kiểm soát ô nhiễm, đánh giá, dự báo, cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm đối với các dự án khai thác khoáng sản. Đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện kiểm tra giám sát, đôn đốc việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top