Vụ lúa đông xuân khó khăn nhưng được mùa

05:46 - Thứ Sáu, 03/06/2022 Lượt xem: 2758 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân 2021 - 2022 toàn tỉnh gieo cấy 9.766,01ha lúa (đạt 101,88% kế hoạch). Cơ cấu giống có 83,21% diện tích gieo cấy lúa thuần, lúa lai và các giống địa phương khác chiếm 16,79%. Trong vụ sản xuất này, toàn tỉnh chuyển đổi 231,63ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác.

Người dân xã Thanh Yên, huyện Điện Biên thu hoạch lúa vụ đông xuân 2021 - 2022.

Để chủ động, nhất quán trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi đảm bảo việc điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất trong điều kiện khô hạn kéo dài. Đồng thời, chuẩn bị đủ lượng giống, vật tư nông nghiệp; gieo cấy lúa tập trung trong khung thời vụ; thực hiện chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật. Các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chủ động dự báo về tình hình sâu bệnh hại, kịp thời phòng trừ hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động bất thuận của thời tiết và sinh vật gây hại.

Vụ sản xuất này, người dân sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Đầu vụ, nhiều diện tích mới gieo cấy bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại; sau đó là thời gian khô hạn làm 103,86ha lúa bị ảnh hưởng, thiếu nước trên 70%. Đến giữa vụ, mưa lớn kèm dông lốc làm ảnh hưởng 464,16ha. Hầu hết diện tích bị ảnh hưởng đều được nông dân khắc phục kịp thời đảm bảo diện tích gieo cấy. Từ giai đoạn giữa đến cuối vụ, thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh hại phát triển mạnh như: Bệnh đạo ôn lá, bạc lá… Bên cạnh yếu tố thời tiết, thì các yếu tố như tập quán sản xuất, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, chi phí các loại vật tư nông nghiệp cao làm gia tăng chi phí đầu vào, cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Trong khi các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; sự liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu bền vững.

Tại khu vực lòng chảo Mường Thanh, thời gian cao điểm thu hoạch lúa đông xuân xảy ra mưa rả rích kéo dài khiến nhiều diện tích lúa đã chín già không kịp thu hoạch; một số diện tích đã thu hoạch nhưng không phơi được thóc cũng ít nhiều gây thiệt hại cho bà con nông dân. Tuy nhiên, với trình độ thâm canh, kinh nghiệm sản xuất, nông dân vùng lòng chảo nắm chắc đặc thù của vụ đông xuân lúa cuối vụ rất mau chín nên cơ bản bà con tranh thủ thu hoạch sớm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đến thời điểm này, diện tích lúa đông xuân trên địa bàn cơ bản được thu hoạch xong. Uớc tính có khoảng 20% lúa bị ảnh hưởng do gặp mưa không hong phơi được. Song vụ lúa đông xuân năm nay năng suất, sản lượng cao hơn so với vụ trước.

Đối với các huyện vùng cao, cơ bản diện tích lúa đông xuân đều ở trà muộn, đến thời điểm này diện tích nào gieo cấy sớm thì lúa đang uốn câu; còn lại đang trổ bông, nhanh nhất trung tuần tháng 6 mới bắt đầu thu hoạch. Vụ đông xuân năm nay thời tiết mưa nhiều nhưng rải rác nên nước tưới phục vụ cho sản xuất cơ bản đầy đủ.

Mặc dù gặp một số khó khăn bởi thời tiết song theo đánh giá của ngành chuyên môn vụ đông xuân 2021 - 2022 được mùa lúa. Năng suất ước đạt 60,39 tạ/ha; sản lượng ước đạt 58.978,07 tấn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top