Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở lực lượng bảo vệ rừng

15:40 - Thứ Ba, 07/06/2022 Lượt xem: 1699 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm lâm nghiệp vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Có nhiều vụ việc, khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thì các đối tượng liều lĩnh chống đối, cản trở, thậm chí hành hung lực lượng thi hành công vụ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 220 vụ vi phạm lâm nghiệp, tăng 86 vụ (tăng 64,18% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, khai thác rừng 19 vụ; phá rừng 146 vụ, tăng 75 vụ (tăng 105,63%), gây thiệt hại hơn 39ha (tăng 209,5% so với cùng kỳ năm trước); vận chuyển lâm sản trái pháp luật 31 vụ, tăng 16 vụ… Tổng số vụ đã xử lý 173 vụ; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 139 vụ, khởi tố hình sự 34 vụ; thu nộp ngân sách gần 596 triệu đồng và tịch thu 47,26m3 gỗ các loại.

Nổi cộm các vụ vi phạm lâm nghiệp là ở huyện Nậm Pồ và Mường Nhé. Đặc biệt, đây cũng là hai địa bàn có tình trạng cản trở lực lượng chức năng thi hành công vụ nhiều nhất (Nậm Pồ 3 vụ và Mường Nhé 2 vụ). Một số đối tượng lợi dụng kích động, xúi giục người dân phá rừng, chống đối lực lượng chức năng, khiếu kiện tập trung gây mất trật tự xã hội. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay tại các xã: Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) đã xảy ra tình trạng người dân phá rừng tập thể. Khi lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu không phát nương lấn vào rừng thì người dân có biểu hiện chống đối, manh động (dùng dao dọa chém lực lượng kiểm lâm, lăng mạ, chửi bới, một số phụ nữ địu trẻ nhỏ giằng xé, cướp tài liệu, túm cổ áo, bốc đất ném vào mặt công chức kiểm lâm và cả cán bộ công an huyện…); tụ tập đông người đòi hỏi yêu sách, không cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường. Đặc biệt, năm 2020, trên địa bàn huyện Mường Nhé, đối tượng phá rừng vào tận trụ sở UBND xã Nậm Vì  đánh công chức kiểm lâm; có vụ việc các đối tượng còn viết đơn đe dọa cán bộ kiểm lâm nếu người nhà của họ bị đi tù vì hành vi phá rừng.

Điển hình, đầu tháng 1/2022, tại tiểu khu 414B, khoảnh 7, giáp với bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) xảy ra vụ phá rừng. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã tiếp cận, đo đếm, kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. Qua tìm hiểu, vụ phá rừng do một số đối tượng thuộc bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) sang phá để lấy đất canh tác, sản xuất. Nhận thấy vụ việc phức tạp và nguy cơ phá rừng vẫn còn tiềm ẩn, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo UBND xã Quảng Lâm, tổ công tác liên ngành của xã thường xuyên tổ chức tuần tra rừng tại khu vực phá rừng nêu trên để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái pháp luật. Đầu tháng 2/2022, tổ công tác gồm Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, UBND xã Quảng Lâm và Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ phối hợp kiểm tra khu vực giáp ranh nêu trên phát hiện thêm một số vị trí phá rừng mới thuộc địa bàn xã Quảng Lâm. Sau khi đo đếm, kiểm tra hiện trường, trên đường đi về tổ công tác đã bị các đối tượng phá rừng chặt cây, chặn cầu dân sinh, bắt nộp lệ phí đi qua cầu, rải đinh làm thủng lốp xe máy, đánh chông gây khó khăn cho lực lượng chức năng đi lại, thực thi công vụ...

Một trong những nguyên nhân là do thời gian qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vào cuộc quyết liệt ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Lực lượng kiểm lâm cũng đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến, kiểm soát chặt chẽ lưu thông lâm sản trên từng địa bàn. Kiên quyết xử lý những cơ sở kinh doanh chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, hoặc không có giấy phép hoạt động…

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, nhất là huyện Nậm Pồ và Mường Nhé là hai địa bàn có tình hình di dịch cư tự do và an ninh chính trị phức tạp trong nhiều năm qua. Cùng với đó, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19, một số lượng lớn người dân không đi lao động bên ngoài được, không có việc làm và thu nhập (theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh khoảng 27.000 người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về không có việc làm). Do vậy, nhu cầu về sản xuất phục vụ đời sống của người dân tăng cao, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương. Trong khi đó, giá trị các loài lâm sản ngày càng cao, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm (gỗ nghiến nhóm IIa). Các đối tượng sẽ bất chấp sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, tinh vi, manh động, sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn nhất hiện nay là lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng quá mỏng, địa bàn rộng.

Từ thực trạng đáng báo động trên, để ngăn chặn vấn đề này một cách hiệu quả, các địa phương và cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn, cùng người dân sống ở vùng có rừng, các chủ rừng được giao khoán thống nhất biện pháp bảo vệ rừng. Và mấu chốt quan trọng nhất, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan trong việc nâng cao ý thức và tạo sinh kế cho người dân vùng có rừng một cách bền vững. Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở các địa phương cũng cần khẩn trương điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm các vụ án phá rừng và các vụ việc cản trở thi hành công vụ, để giữ nghiêm kỷ cương và răn đe, giáo dục.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top