Góc nhìn - Tiêu điểm

Bắt đầu từ hành động của mỗi người

08:49 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 1952 In bài viết

ĐBP - Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 38 người. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 18 vụ, giảm 4 người chết, tăng 21 người bị thương.

Nhìn vào các con số thống kê, chỉ giảm được tiêu chí về số người chết còn gia tăng số vụ và người bị thương.

Có thể nói, năm 2023 các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Nổi bật là lực lượng công an toàn tỉnh đã triển khai quyết liệt nhóm giải pháp về kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn; kiểm tra xe vận tải khách và xe container.

Mặc dù vậy,  tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có thời điểm, địa bàn còn diễn biến phức tạp. Vẫn còn nhiều vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Nồng độ cồn, tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ…

Điều đó cũng cho thấy, trong khi có những biện pháp đã phát huy trong thực tiễn, thì một số giải pháp đối với một số nhóm hành vi vi phạm chưa thật sự hiệu quả.

Đơn cử như việc triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn tỉnh về kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đã góp phần giảm rõ rệt tình trạng vi phạm và những vụ tai nạn có nguyên nhân liên quan đến sử dụng rượu bia. Nhưng còn nhiều yếu tố khác dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ vụ tai nạn làm chết 4 người, bị thương 1 người xảy ra trên quốc lộ 279 thuộc địa phận huyện Mường Ảng, lái xe ô tô không có nồng độ cồn. Hay vụ tai nạn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP. Điện Biên Phủ làm chết 2 học sinh, lỗi do lái xe tải không chú ý quan sát, chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, dẫn tới va chạm với xe máy điện.

Đó đều là những nguyên nhân chủ quan. Do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một số lái xe và không ít người tham gia giao thông còn kém.

Để kéo giảm cả 3 tiêu chí, hướng đến giao thông an toàn, cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp: Xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, tuyên truyền giáo dục, thực thi pháp luật…

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông là giải pháp quan trọng nhằm xử lý nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Nhưng trước khi áp dụng các biện pháp xử lý, xử phạt thì phải làm hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục.

Xây dựng văn hóa giao thông an toàn mới là giải pháp bền vững. Do đó cần chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao nhận thức toàn dân.

Thực tế hiện nay, đối với không ít người nếu bản thân hoặc người thân không bị tai nạn giao thông thì vẫn coi tai nạn giao thông là chuyện của người khác. Trong khi sự phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, coi đó là trách nhiệm của cảnh sát giao thông và ngành Giao thông vận tải.

An toàn của cộng đồng nói chung, an toàn giao thông nói riêng phải bắt đầu từ hành động của mỗi cá nhân.

Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông, như: Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông; tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông; phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Khi xảy ra tai nạn giao thông, hậu quả không chỉ là nỗi đau của nạn nhân, gia đình mà còn là gánh nặng của xã hội. Bởi theo thống kê, nhóm người từ 18 - 55 tuổi bị thương vong nhiều nhất trong các vụ tai nạn giao thông. Họ là những trụ cột của gia đình, lực lượng lao động chính trong xã hội.

Mỗi người phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông, thì mới mang lại an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top