Lan tỏa tinh thần, lợi ích Đề án 06

08:50 - Thứ Ba, 23/01/2024 Lượt xem: 1922 In bài viết

ĐBP - Với tinh thần tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, mong muốn có thêm nhiều tiện ích để phục vụ người dân; phát huy vai trò nòng cốt, Công an tỉnh đã phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tích cực tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đưa Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) “thấm sâu” vào đời sống nhân dân.

 

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, “hết lòng vì nhân dân phục vụ”, không quản sớm tối, các đoàn viên thanh niên (ĐVTN), hội viên phụ nữ đã tích cực về cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà; đến các cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các bước tải - cài đặt, đăng ký - đăng nhập và kích hoạt tài khoản ứng dụng VNeID. Chị Lò Thị Xon, Bí thư Đoàn phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Triển khai thực hiện kế hoạch số 01, các chi đoàn thanh niên công an, tổ dân phố, bản và trường học đã đồng loạt ra quân, thành lập các tổ công tác tích cực ngày đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật và buổi tối triển khai hỗ trợ thu nhận hồ sơ định danh điện tử, cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử VNeID... Từ khi triển khai lực lượng ĐVTN đã phối hợp với công an phường, hội phụ nữ thu nhận định danh điện tử trên 8.000/8.753 trường hợp, tiến hành kích hoạt tài khoản định danh điện tử được hơn 7.700/8.753 trường hợp; 72/72 đoàn viên trên địa bàn phường đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-CAT-TĐTN-HLHPN của Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh về việc: “Phối hợp phát huy vai trò xung kích của ĐVTN, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, hướng dẫn thu nhận, cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Điện Biên” - (gọi tắt là Kế hoạch số 01). Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến cơ sở, thôn/bản/tổ dân phố đều thành lập ban chỉ đạo, các tổ, đội công tác; cử cán bộ, công chức tham gia thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt, cài đặt tài khoản định danh điện tử; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 01, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 139 đội hình tình nguyện cấp huyện, cơ sở. Ngoài triển khai mô hình công dân số và khai báo lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh, Hội LHPN tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và Tỉnh đoàn tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về lợi ích của việc sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện các giao dịch dân sự và thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh đoàn đã thành lập 6 đội hình tình nguyện tham gia chuyển đổi số cấp tỉnh với 39 tình nguyện viên. Trong đó, 1 đội hình tình nguyện khối hành chính sự nghiệp; 2 đội hình tình nguyện khối học sinh, sinh viên; 1 đội hình tình nguyện khối địa bàn dân cư... Các huyện, thị xã, thành đoàn, đoàn trực thuộc cũng thành lập 152 đội hình tình nguyện cấp huyện với 1.169 thành viên. Duy trì hoạt động 129 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã (159 thành viên là bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên cấp xã). Đồng thời, các cấp bộ đoàn đã phát động phong trào thi đua, tổ chức các ngày ra quân cao điểm; hỗ trợ thu nhận hồ sơ định danh điện tử, tuyên truyền, hướng dẫn, cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID, hướng dẫn khai báo lưu trú cho người dân thông qua các cuộc họp, tại các khu dân cư, nhà văn hóa thôn, bản, các khu chợ, bệnh viện…

Với nhiều nỗ lực, tích cực lan tỏa tinh thần, lợi ích Đề án 06 nhiều tổ chức, cá nhân đã được các đơn vị tặng Bằng khen, Giấy khen…

Đặc biệt, 3 cơ quan đã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi đầu trong việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ba cơ quan đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và có tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện Quyết định số 609/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt các mô hình điểm về bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh đã triển khai 2 mô hình điểm: “Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ với kỷ nguyên số” và mô hình “Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trong khai báo lưu trú”. Từ tháng 4/2023 đến nay ĐVTN đã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt ứng dụng định đanh điện tử cho 101.375 người dân; Hội LHPN các cấp đã hướng dẫn 63.666 người dân.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, sau 9 tháng triển khai Kế hoạch số 01, tới nay hầu hết các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tỉnh Điện Biên được Bộ Công an ghi nhận là 1 trong 29 tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top