Video

Đổi thay ở Lả Chà

Thứ Ba, 14/06/2022 06:08 Lượt xem: 13831 In bài viết

ĐBP - Ai vào bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ những ngày này cũng nhận thấy nơi đây đang có sự đổi thay rõ rệt. Nhà cửa của bà con dân bản được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tập quán thả rông gia súc cơ bản đã được xóa bỏ. Chuồng nuôi gia súc, gia cầm cũng được các gia đình quy hoạch hợp lý. Gia súc được nuôi nhốt tại các khu gia trại nhỏ không quá gần khu dân cư. Dải đất phù sa ven suối vốn bỏ hoang nay đã được bà con sử dụng để trồng rau. Sự đổi thay này là thành quả của những tháng ngày cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3, Đoàn KTQP 379 không quản nắng mưa xuống địa bàn bắt tay chỉ việc, cùng nhân dân xây dựng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng – rừng, từng bước giúp bà con bản Lả Chà xóa đói, giảm nghèo.

Bản Lả Chà và bản cạnh đó là Huổi Sâu, xã Pa Tần có 188 hộ đồng bào dân tộc Cống và dân tộc Dao sinh sống. Đồng bào nơi đây vẫn còn giữ một số tập quán lạc hậu, đời sống dựa vào nương rẫy là chủ yếu nên tỷ lệ hộ đói nghèo ở cả hai bản đều cao. Bản Lả Chà có tới 100% số hộ dân là hộ nghèo. Thực hiện Nghị quyết của chi bộ nhiệm kỳ 2020 – 2022 về “Lãnh đạo đơn vị tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị vững mạnh và giúp nhân dân phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, dịch, bệnh”, Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với UBND xã Pa Tần triển khai thực hiện mô hình tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đội đã xây dựng kế hoạch hàng tháng và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào hai bản Huổi Sâu và Lả Chà xóa bỏ tập quán lạc hậu, phát triển kinh tế, xây dựng làng bản sạch đẹp, văn minh. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm đội tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền vận động và cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, cùng dân vào vườn, ra ruộng, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình trồng trọt, chăn nuôi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.    

Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị ngoài chức năng nắm chắc tình hình chính trị trên địa bàn đội đảm nhiệm, thì còn có nhiệm vụ tuyên truyền cho đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong những năm qua đội sản xuất đã cử nhân viên xuống từng nhà, giúp bà con chăn nuôi, trồng trọt, bà con đã tự trồng được rau ăn, chăn nuôi lợn gà và đã có bán ra thị trường.

Được bộ đội xuống vận động xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi, gia đình ông Lý Văn Năm, bản Lả Chà đã đưa chuồng trại ra khu đất ven suối nơi đầu bản. Nấu cám nuôi lợn, đào ao nuôi thả cá, mỗi năm gia đình đều có thêm thu nhập. Ông rất vui vì cuộc sống của gia đình ông cũng như bà con dân bản đang có nhiều đổi thay tích cực. Ông Năm chia sẻ: Được Nhà nước đầu tư và các chú bộ đội cũng thường xuyên xuống bản hướng dẫn bà con làm ăn, vận động con cháu học hành, nói chung là trên nương dưới ruộng bà con cũng khấm khá nhiều. Nương rẫy thì ít làm. Ở ven sông ven suối chỗ nào làm được ruộng thì bà con cũng khắc phục khó khăn để có sản phẩm là hạt thóc hạt gạo. Về phát triển chăn nuôi thì gia đình nào chăm thì cũng phát triển tốt.

Không chỉ vận động đồng bào không bỏ đất hoang, không thả rông gia súc, gia cầm, giữ gìn không gian nhà ở vệ sinh, cán bộ chiến sĩ Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 còn vận động người dân các bản Huổi Sâu, Lả Chà tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Chúng tôi hiểu rằng vận động đồng bào tích cực bảo vệ rừng, không chỉ có ý nghĩa giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng, mà cũng là cách để tăng thu nhập cho bà con nơi đây từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có ý thức bảo vệ trên 3.000ha rừng phòng hộ, hằng năm người dân hai bản Huổi Sâu, Lả Chà nhận được khoảng 20 triệu đồng/hộ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với các hộ đồng bào nghèo, đây là khoản thu nhập không nhỏ giúp cuộc sống của họ ổn định hơn.

Sau hai năm Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 triển khai mô hình tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào hai bản Huổi Sâu, Lả Chà có sự chuyển biến tích cực. Ý thức vươn lên, xây dựng bản làng sạch đẹp, văn minh của họ đã thay đổi hoàn toàn. Hầu hết các hộ gia đình ở hai bản này đã biết chăn nuôi tăng gia, tự trồng rau xanh phục vụ sinh hoạt và cung cấp ra thị trường. Thôn bản xây dựng được quy ước, hương ước bảo vệ rừng, sinh đẻ có kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo của hai bản Huổi Sâu, Lả Chà giảm mỗi năm từ 3-4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2019. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở hai bản này cũng giảm từ 37,4% năm 2019 xuống còn 32% năm 2021; tỷ lệ học sinh đến trường đạt 97% tăng 5% so với năm 2019; đàn gia súc tăng bình quân 4% trên năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 71,1% năm 2019 lên trên 78% ; người nghiệm ma túy giảm từ 26 người năm 2019 xuống còn 12 người. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo.

Mang lại sự đổi thay cho cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi bản làng vùng sâu, biên giới là nhiệm vụ và cũng là mong ước thiết tha của cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3. Làm được điều đó không phải một sớm, một chiều, bởi có những tập quán đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống đồng bào qua nhiều thế hệ. Tuy gặp không ít khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ toàn đội đã luôn kiên trì bám trụ, dành nhiều tâm huyết với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần tạo được sự đổi thay trong đời sống đồng bào. Gần dân, sát dân, giúp dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, dần thoát khỏi cái nghèo, cái đói, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không chỉ là nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ của đội luôn khắc ghi, mà còn là tấm lòng của những người lính cụ Hồ đối với đồng bào, với nhân dân vùng sâu, vùng xa biên giới.

Đức Hạnh

Video khác

Back To Top