Video

Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Thứ Hai, 25/07/2022 23:44 Lượt xem: 11674 In bài viết

ĐBP - Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, dân tôc Việt Nam luôn gìn giữ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” để tri ân những hy sinh, mất mát của những người con ưu tú đã cống hiến xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc ,vì hạnh phúc của nhân dân. Và trong những ngày tháng 7 này, truyền thống quý báu ấy lại được khơi dậy, ghi dấu ấn đậm nét hơn thông qua nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa tri ân đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Điện Biên - địa danh ghi dấu ấn lịch sử thời đại, vùng đất mang đậm truyền thống cách mạng và cũng chính nơi đây biết bao người con đất Việt đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước sự hy sinh, mất mát đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn chung tay vun đắp đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, luôn quan tâm, chăm lo đối với các thương, bệnh binh, gia đình người có công, gia đình chính sách...

Chuyến công tác lên Điện Biên đợt cuối tháng 5 vừa qua, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng như các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương vẫn dành thời gian tới động viên, thăm hỏi các cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Cái bắt tay, lời thăm hỏi ân cần và những món quà của Chủ tịch nước cũng chính là sự quan tâm, động viên không nhỏ của Đảng và Nhà nước với những người con ưu tú đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc; qua đó càng thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đất nước đã hòa bình và hôm nay nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), những hoạt động thiết thực nhằm tri ân, chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng lại càng được thể hiện sâu đậm hơn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những ngày tháng 7 này, dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên để dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Một trong những điểm đến thu hút người dân và du khách thập phương tham quan, dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong dịp 27/7 năm nay là Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Tọa lạc trên đồi F, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), Đền thờ có tổng mức đầu tư là 105 tỉ đồng, được đầu tư từ 2 nguồn vốn là vốn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (90 tỉ đồng) và vốn ngân sách địa phương. Sau hơn 1 năm thi công, công trình đã được khánh thành vào sáng ngày 18/5/2022 và trở thành công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên.

Phát huy cao đẹp đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những ngày này, thế hệ trẻ Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Viettel Điện Biên tổ chức dâng hương và thay thế hoa lụa, lọ hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập để tưởng nhớ và tri ân thế hệ cha anh, những người đã cống hiến, hy sinh vì đất nước. Mỗi đoàn viên, thanh niên tự tay mình thắp một nén hương thơm, thay một nhành hoa trên phần mộ các liệt sĩ để thể hiện lòng tri ân sâu sắc.

Trong nghi ngút khói hương, giữa không gian nghĩa trang rộng lớn, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm nghẹn ngào khi chứng kiến những mất mát, đau thương của biết bao gia đình, thân nhân liệt sĩ. Hàng nghìn ngôi mộ nằm sát bên nhau, nhiều phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin đã phần nào thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh. Các anh đã ngã xuống vì cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mang lại hòa bình như ngày hôm nay. Trước những hy sinh mất mát đó, mỗi đoàn viên, thanh niên đều cảm thấy bồi hồi, xúc động, thành tâm thắp một nén hương thay lời tri ân sâu sắc tới những người con ưu tú của Tổ quốc.

Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới hiện nay, ngoài việc thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, mỗi dịp tháng 7 về, tháng của sự tri ân, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ, động viên về tinh thần đối với mỗi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Cùng với những hoạt động hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực chăm lo, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà gia đình chính sách, thực hiện tốt các chế độ, chính sách quy định... 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 16 nghìn đối tượng chính sách; đó là những người có công, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và đoàn thể xã hội tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, động viên tinh thần, quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh việc hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng, hỗ trợ các gia đình chính sách phát triển kinh tế, trên cơ sở tham mưu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng thông qua các hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình chính sách mỗi dịp lễ, tết, ngày truyền thống, thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước.

Để có được nền hòa bình, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, thế hệ cha ông đi trước phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu. Bởi vậy, giờ đây việc tưởng nhớ, tri ân và quan tâm, chăm sóc với các gia đình chính sách, người có công không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, mà còn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhờ phát huy tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thương, bệnh binh, đối tượng chính sách và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của toàn xã hội, qua đó phần nào vơi đi những đau thương, mất mát. Điều đó đã tiếp thêm nghị lực, niềm vui, để mỗi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ vươn lên, ổn định cuộc sống và đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phạm Quang

Back To Top